10:09, 29/09/2010

Niềm đam mê của “nhà giàu”

Tuy cường độ tập luyện gian khổ, chế độ dinh dưỡng khắc nghiệt, nhưng bằng niềm đam mê của các vận động viên yêu thích nét đẹp hình thể, bộ môn thể hình Khánh Hòa vẫn đang duy trì tốt phong trào tập luyện và thi đấu tại các câu lạc bộ, các giải đấu của tỉnh.

Tuy cường độ tập luyện gian khổ, chế độ dinh dưỡng khắc nghiệt, nhưng bằng niềm đam mê của các vận động viên (VĐV) yêu thích nét đẹp hình thể, bộ môn thể hình Khánh Hòa vẫn đang duy trì tốt phong trào tập luyện và thi đấu tại các câu lạc bộ, các giải đấu của tỉnh.

Tuy không náo nhiệt như các bộ môn thể thao khác như bóng đá, quần vợt, cầu lông, song ở Khánh Hòa, bộ môn thể hình cũng đã có chặng đường duy trì, phát triển khá bằng phẳng và chiếm vị trí ổn định trong lòng những người đam mê cơ bắp. Điều đó được thể hiện với việc giải vô địch thể hình tỉnh được tổ chức một cách đều đặn hàng năm với sự góp mặt của vài chục VĐV đến từ các phòng tập, trung tâm tập luyện thể thao tại các địa phương trong tỉnh. Không chỉ vậy, ở hầu hết các địa phương, mỗi nơi đều có ít nhất một hoặc vài ba phòng tập thể hình của tư nhân thường xuyên chiêu sinh học viên với những thiết bị hỗ trợ cần thiết, đáp ứng nhu cầu tập luyện thể hình của những người yêu thích. Cứ nhìn cách các lực sĩ gồng mình, phô diễn động tác kỹ thuật, “khoe” cơ bắp và sau đó là những tràng pháo tay tán thưởng của khán giả (đặc biệt là giới trẻ) ở giải đấu tỉnh vừa qua diễn ra tại Ninh Hòa cũng đủ cho thấy sức hút đặc biệt của bộ môn thể thao này.

Các vận động viên thể hình khoe cơ bắp tại Giải thể hình tỉnh năm 2010.
Tuy nhiên, để trở thành VĐV thể hình tham gia thi đấu tại các giải của tỉnh, trong nước hay quốc tế, ít ai biết rằng, các VĐV phải trải qua một quá trình khổ luyện kiên trì và với chế độ dinh dưỡng khắc nghiệt. Nhiều người nói vui rằng, thể hình là môn thể thao “nhà giàu dành cho nhà nghèo tập luyện” và nếu không có sự đam mê thì khó có thể trở thành một VĐV chuyên nghiệp. Bởi lẽ, để theo đuổi bộ môn này, người tập phải có điều kiện kinh tế khá giả và phải thực hiện chế độ dinh dưỡng đặc biệt khá tốn kém (nhưng cũng không kém phần khắc khổ). Mỗi ngày, các lực sĩ phải thường xuyên duy trì các bài tập cơ bắp như: tay, vai, ngực, bụng… với chế độ ăn nhiều chất đạm, chất béo hay các loại thực phẩm bổ sung năng lượng cơ thể (các loại thực phẩm, trái cây như: thịt, trứng, sữa, chuối, đu đủ và các loại thuốc tăng lực). Để có đủ nguồn năng lượng bổ sung cho cơ thể, duy trì cơ bắp, các VĐV có thể tiêu tốn vài trăm nghìn đồng/ngày cho việc bồi bổ cơ thể. Chính vì vậy, không ít VĐV đã phải “dội ngược” sau một vài năm theo đuổi, tập luyện. Anh Hồ Nhật Quang - VĐV thể hình Câu lạc bộ Thể hình Vĩnh Phước (Nha Trang), người vừa đoạt giải nhất.

Giải vô địch thể hình các câu lạc bộ tỉnh năm 2010 ở hạng cân 70kg cho biết: “Tập luyện bộ môn này rất vất vả. Mỗi ngày tập 6 tiếng với chế độ dinh dưỡng cao, tốn kém nhưng không kém phần khổ sở”. Đối với những VĐV thể hình, theo đuổi việc tập luyện chủ yếu là vì niềm đam mê; còn việc tham gia thi đấu và cạnh tranh tại các giải chỉ với một mong muốn là được thể hiện sự nỗ lực tập luyện và được mọi người công nhận (không có mấy người đến với bộ môn này vì giá trị của các giải thưởng). Thật vậy, chỉ cần nhìn cơ cấu giải thưởng mà các VĐV đạt được (khoảng từ 100 đến 500 nghìn đồng cho các giải từ khuyến khích đến giải nhất) ở giải vô địch thể hình tỉnh so với giá trị của một lọ thực phẩm bổ sung năng lượng cơ thể dành cho VĐV được bày bán trên thị trường (khoảng vài trăm đến hơn triệu đồng) thì sẽ thấy giá trị vật chất mà các VĐV nhận được từ một giải đấu như “muối bỏ bể”.

Khó khăn là vậy, song đối với các VĐV thể hình Khánh Hòa nói riêng, niềm vui của họ chính là được vinh dự đại diện cho câu lạc bộ hoặc tỉnh đứng trên bục thi đấu “so kè” cùng với các VĐV khác. Cũng nhờ đó, những vẻ đẹp cơ bắp, sự nỗ lực của các VĐV bộ môn thể thao mang đậm tính “nghệ thuật đường nét” được đến với đông đảo công chúng.

THIÊN BẢO