Trong cuộc đấu tranh với các thế lực tội phạm, người chiến sĩ Công an không chỉ nắm chắc vũ khí trong tay mà còn phải có tình thương, tình người để cảm hóa những đối tượng lầm lạc về với con đường chính nghĩa. Nêu cao tình cảm bao dung, chân thành của người chiến sĩ Công an nhân dân chính là đích đến của vở kịch “Hoa hồng đỏ”.
Trong cuộc đấu tranh với các thế lực tội phạm, người chiến sĩ Công an không chỉ nắm chắc vũ khí trong tay mà còn phải có tình thương, tình người để cảm hóa những đối tượng lầm lạc về với con đường chính nghĩa. Nêu cao tình cảm bao dung, chân thành của người chiến sĩ Công an nhân dân (CAND) chính là đích đến của vở kịch “Hoa hồng đỏ”.
Sau một thời gian tập luyện nghiêm túc, tối 20-8, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh công diễn vở dân ca kịch “Hoa hồng đỏ” (tác giả kịch bản: Nguyễn Thanh Bình, tác giả chuyển thể kịch bản dân ca: Anh Nguyễn, đạo diễn: Nghệ sĩ Ưu tú Hoài Huệ). Đây là vở diễn được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh dàn dựng để tham gia liên hoan nghệ thuật sân khấu về “Hình tượng người chiến sĩ CAND Việt Nam” lần thứ 2, sẽ tổ chức vào trung tuần tháng 9-2010, tại Thủ đô Hà Nội.
Cảnh kết thúc của vở diễn |
Với những gì đã thể hiện, “Hoa hồng đỏ” là vở diễn có nội dung tư tưởng tốt về hình tượng người chiến sĩ CAND hôm nay. Cái hay của vở diễn chính là việc các tác giả, đạo diễn đã đề cập đến một khía cạnh rất nhân văn trong cuộc đấu tranh chống tội phạm, đó chính là sự cảm hóa của người chiến sĩ CAND đối với những người phạm tội. Qua vở diễn, có thể thấy được cuộc chiến giữa người chiến sĩ Công an với thế lực tội phạm rất đỗi cam go, phức tạp. Ở đó không chỉ có tiếng súng trấn áp tội phạm mà còn có niềm tin, sự cảm thông của người chiến sĩ Công an đối với những ai biết quay đầu hướng thiện.
Tuy nhiên, vở diễn vẫn còn một số thiếu sót về mặt kỹ thuật cũng như phần nghiệp vụ Công an cần được khắc phục. Ở cảnh bắt sòng bài, việc để cho nhân vật Hoa một mình xông vào giữa sòng bạc với những tên tội phạm sừng sỏ là chi tiết không sát với thực tế. Việc Hoa bắt quả tang hành vi phạm tội, nhưng không lập biên bản, không thu giữ tang chứng mà chỉ yêu cầu tội phạm nộp lại giấy tờ tùy thân là không đúng với nghiệp vụ Công an… Ở màn kết thúc, khi nhân vật Dung - tuy đã được 2 chiến sĩ Công an giữ chặt - nhưng vẫn vùng ra được rồi rút súng ở ống chân bắn vào Long dẫn đến cái chết của Hoa cũng là chi tiết khiên cưỡng. Ở cảnh Hoa bị trúng đạn, đạo diễn để nhân vật nói quá nhiều làm cho việc nâng cái chết của Hoa thành biểu tượng cho sự hy sinh của người chiến sĩ Công an trở nên ít sinh động. Ngoài ra, vở diễn có những thiếu sót như khâu hóa trang cho diễn viên chưa thực sự đẹp; thiết kế sân khấu khá đơn điệu; hai diễn viên Ái Ly (vai Hoa), Thu Trang (vai Dung) diễn tốt nhưng hình thức hơi cứng so với nhân vật… Những thiếu sót về mặt nghiệp vụ cũng như kỹ thuật nói trên cần sớm được khắc phục để vở diễn đạt được kết quả tốt trong kỳ hội diễn sắp tới.
GIANG ĐÌNH