10:07, 02/07/2010

Không có “mưa bàn thắng”?

Hành trình chinh phục cúp vàng World Cup luôn là một chặng đường khó khăn. Ở đó, đội vô địch phải vượt qua tất cả đối thủ còn lại. Trận chung kết chỉ có 2 đội, nhưng ứng cử viên vô địch thì thật nhiều. Vì thế, trong suốt hành trình của mình, World Cup luôn có những trận cầu được xếp vào dạng chung kết sớm.

Hành trình chinh phục cúp vàng World Cup luôn là một chặng đường khó khăn. Ở đó, đội vô địch phải vượt qua tất cả đối thủ còn lại. Trận chung kết chỉ có 2 đội, nhưng ứng cử viên vô địch thì thật nhiều. Vì thế, trong suốt hành trình của mình, World Cup luôn có những trận cầu được xếp vào dạng chung kết sớm. Và nếu như người Đức vượt qua “sư tử” Anh được coi là trận chung kết thứ nhất, thì 21 giờ tối nay (2-7), trận tứ kết giữa Hà Lan và Brazil xứng đáng là trận chung kết thứ 2.

Sẽ không có vũ điệu nào của Brazil (phải) trước Hà Lan?

Brazil vẫn thế, đẹp đẽ và hiệu quả. Con đường đến với tứ kết của đội bóng từng 5 lần vô địch thế giới tương đối bằng phẳng. Triều Tiên và Bờ Biển Ngà vốn không phải là đối thủ của đội bóng Nam Mỹ. Họ gặp phải trở ngại đầu tiên khi đối diện với Bồ Đào Nha, nhưng khi đó cũng là lúc thầy trò Huấn luyện viên Dunga đã giành quyền đi tiếp. Đó là một trận cầu không còn nhiều ý nghĩa. Rồi thách thức của các “vũ công samba” ở vòng 1/8 cũng chỉ là một Chile vốn sở trường… lao lên phía trước và cũng chẳng quen với công việc phòng ngự. Với những đối thủ ấy, Brazil đều nhập trận với một thái độ thận trọng, chắc chắn và hiệu quả. Đó là một Brazil đáng sợ nhất bởi lẽ tính hoa mỹ chỉ có thể được phát tiết khi đã nắm chắc thế trận trong tay, ở một cường độ vừa phải. Đã ít hơn những đường chuyền độc địa, những pha xử lý làm say lòng người, Brazil giờ đây là sự kết tinh giữa bóng đá hiện đại đầy toan tính trộn lẫn với “vũ điệu hoang dã” vốn là một đặc trưng không thể mất đi trong tâm tưởng của các cầu thủ Nam Mỹ.

Bên kia chiến tuyến, những người Hà Lan đã không còn bay bổng với những cơn lốc do mình tạo ra. Đó chỉ là một màu “cam nhạt” theo từng cơn gió thoảng. Nằm cùng bảng với Đan Mạch, Nhật Bản và Cameroon, Hà Lan vượt qua vòng đấu loại với 3 trận toàn thắng. Nhưng đã không có “cơn lốc” nào, mà chỉ là những trận thắng với cách biệt không lớn. Để rồi ở trận knock-out với Slovakia ở vòng 1/8, các học trò của Huấn luyện viên Bert van Marwijk cũng chỉ vượt qua với cách biệt 1 bàn, nâng số trận thắng với cách biệt tối thiểu của Hà Lan lên con số 3 sau 4 trận đấu. Người ta trông chờ sự trở lại của Ajren Robben sẽ mang đến điều khác biệt và thực tế “đôi chân pha lê” đã ghi bàn (trong trận gặp Slovakia), nhưng thế trận thì vẫn chẳng khác hơn ngoài một Hà Lan thiên về phòng ngự phản công. Và có vẻ như, không có lý do gì để Hà Lan có thể bay bổng theo từng cơn lốc xa xưa của mình khi trước mặt họ là một Brazil sừng sững.

Chính vì thế, “trận chung kết thứ 2” có lẽ sẽ mang phong cách truyền thống của… người Đức. Lỳ lợm, chắc chắn và tính hiệu quả được coi trọng. Thú vị ở chỗ, trong khi “cỗ xe tăng” Đức giờ đã biết “làm thơ” bằng một lối chơi đầy hoa mỹ, thì những bậc thầy của bóng đá nghệ thuật giờ lại chọn cho mình một chiếc “xe tăng”. Có lẽ, bóng đá giờ đã được nâng tầm mà ở đó, mọi thứ đều có thể được pha trộn. Chỉ có điều, Brazil có vẻ nhỉnh hơn trong quá trình hòa nhập đó.

C.Đ