Trong khi trái bóng Jabulani tạm ngừng lăn 2 ngày trước khi tiếp tục những vòng xoay của lượt trận tứ kết, tưởng chừng như mọi bất ngờ của Vòng chung kết World Cup 2010 cũng có dịp được “nghỉ ngơi” thì người người hâm mộ môn túc cầu lại “ngỡ ngàng” trước thông tin Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan quyết định giải tán đội tuyển quốc gia nước này và không cho phép đội tuyển thi đấu quốc tế trong vòng 2 năm
Trong khi trái bóng Jabulani tạm ngừng lăn 2 ngày trước khi tiếp tục những vòng xoay của lượt trận tứ kết, tưởng chừng như mọi bất ngờ của Vòng chung kết World Cup 2010 cũng có dịp được “nghỉ ngơi” thì người người hâm mộ môn túc cầu lại “ngỡ ngàng” trước thông tin Tổng thống Nigeria Goodluck Jonathan quyết định giải tán đội tuyển quốc gia nước này và không cho phép đội tuyển thi đấu quốc tế trong vòng 2 năm. Lý do được đưa ra là Nigeria cần cải tổ đội bóng sau màn thể hiện thất vọng tại Nam Phi. Lý do đó quả là cú sốc nặng đối với những ai yêu mến đội tuyển Nigeria. Trước hết, Nigeria tuy phải dừng bước ở vòng đấu bảng nhưng đó chưa phải là điều tồi tệ nhất. Ở lượt trận đầu tiên trước đội tuyển Argentina quá mạnh, “Đại bàng xanh” đã có một trận đấu khá tốt và chỉ chịu khuất phục với tỷ số 0-1. Trận đấu tiếp theo, Nigeria thua 1-2 trước những nhà cựu vô địch châu Âu Hy Lạp. Ở trận đấu cuối cùng, tuy chơi rất hay và đã vượt lên dẫn bàn trước Hàn Quốc nhưng Nigeria bị cầm hòa, đồng thời mất chiếc vé vào vòng knock-out vào tay đội bóng châu Á. Nhìn lại hành trình tại vòng bảng của đội bóng Tây Phi này, rõ ràng còn tốt hơn rất nhiều so với các đội bóng được kỳ vọng khác như Pháp, Italia hay như người láng giềng Cameroon cũng phải rời cuộc chơi với 3 trận toàn thua. Tuy nhiên, khi bóng đá vượt quá “một trò chơi”, nó đã buộc những chính khách hàng đầu phải vào cuộc. Còn nhớ, lúc đội tuyển Pháp rời Nam Phi về nước trong sự ê chề, ngay lập tức Tổng thống Pháp Sarkozy cũng đã triệu tập tiền đạo Henry đến để trình bày về các vấn đề dẫn đến thất bại của đội tuyển. Việc làm mà ngay sau đó, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter phải lên tiếng để nhấn mạnh “FIFA yêu cầu Liên đoàn Bóng đá Pháp độc lập quản lý và tự giải quyết các vấn đề của mình nếu không muốn bị đình chỉ tham gia các giải đấu thuộc quyền kiểm soát của FIFA”.
Trở lại câu chuyện của đội tuyển Nigeria, nếu lệnh cấm của Tổng thống được “ban bố”, rõ ràng đội tuyển và người hâm mộ là những người chịu thiệt nhiều nhất. Bởi khi đó, không dễ cho FIFA để yên vì tổ chức này luôn khẳng định “Bóng đá không có chỗ cho sự can thiệp mang tính chính trị”. Bài học từ đội tuyển Đông Phi Kenya bị FIFA cấm thi đấu trong một thời gian dài do chính quyền can thiệp quá sâu và nắm quyền điều hành cả bóng đá vẫn còn nóng hổi. Và nếu nhìn rộng ra thì gần 3 năm qua, do chính phủ can thiệp vào bóng đá nên có đến 6 nước bị FIFA ra lệnh cấm thi đấu quốc tế là Iraq, Kuwait, Togo, El Salvador, Peru, Brunei. Vậy mà Nigeria lại tiếp tục muốn làm cả thế giới ngỡ ngàng?
TÙNG NGUYÊN