05:07, 13/07/2010

Một kết thúc có hậu!

Chẳng ai ngờ, World Cup lần này lại “hẻo” bàn thắng đến vậy. Có ai ngờ đâu, các “ông lớn” của bóng đá thế giới lại thi đấu hoặc là bạc nhược, hoặc là thực dụng đến vậy. Cái “triết lý” thắng 1-0 hay 4-0 cũng như nhau khiến cho World Cup lần này kém hấp dẫn đi nhiều.

Chẳng ai ngờ, World Cup lần này lại “hẻo” bàn thắng đến vậy. Có ai ngờ đâu, các “ông lớn” của bóng đá thế giới lại thi đấu hoặc là bạc nhược, hoặc là thực dụng đến vậy. Cái “triết lý” thắng 1-0 hay 4-0 cũng như nhau khiến cho World Cup lần này kém hấp dẫn đi nhiều. May mắn là “câu chuyện” World Cup 2010 cuối cùng cũng khép lại với một kết thúc có hậu. Cuối cùng, cái đẹp vẫn chiến thắng, mặc cho xu thế thực dụng đang chiếm lĩnh thế giới bóng đá. Đội chiến thắng là đội mạnh hơn, chơi đẹp hơn và xứng đáng hơn. Nếu trong trận chung kết World Cup 2010, Hà Lan là người chiến thắng thì đây sẽ là một kết cục bi thảm cho tương lai của bóng đá. Trong số 32 đội bóng góp mặt tại vòng chung kết, Tây Ban Nha và Hà Lan là 2 trong số ít đội có thành tích ấn tượng nhất ở vòng bảng với những chiến thắng giòn giã. Ngay từ đầu, nếu biết Hà Lan và Tây Ban Nha gặp nhau ở trận chung kết, hẳn ai cũng cho rằng đây sẽ là một trận đấu “xem rất đã”. Nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Tây Ban Nha khởi đầu chậm chạp và gây thất vọng ở những trận đầu, nhưng càng đá càng hay và lấy lại hình ảnh ấn tượng bởi lối chơi tấn công kỹ thuật. Còn Hà Lan thì có đến 6 trận thắng nhưng càng đá họ lại càng thực dụng như kiểu “càng giàu càng keo kiệt”! Ngay cả Robben, cầu thủ kỹ thuật nhất cũng tuyên bố “thà thắng xấu xí còn hơn thua đẹp” thì dễ hiểu tại sao Hà Lan càng thực dụng hơn trong trận chung kết. Tây Ban Nha đã chơi với khát khao chiến thắng và họ tin tưởng vào trình độ của mình, còn Hà Lan lại chọn lối chơi tiểu xảo, phá lối chơi của đối thủ. Lối chơi thực dụng ấy hoàn toàn khác với lối chơi khoa học và kỷ luâït kiểu Đức hoặc Brazil (dưới thời Dunga). Hà Lan sẵn sàng chơi xấu để triệt hạ đôi chân của các vũ công Flamenco. Vậy cho nên, càng xem Hà Lan đá, người hâm mộ càng mất thiện cảm với các chàng trai xứ sở hoa tuy-lip. Nếu trọng tài Howard Webb không thương hàng tỷ người hâm mộ đang theo dõi trận đấu mà “tặng” cho Hà Lan 2 thẻ đỏ rất xứng đáng ở hiệp 1 (tình huống của De Jong và Van Bommel) thì có lẽ trận đấu sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Tuy nhiên, cái kết vẫn có hậu, trong thời gian Hà Lan không dám chơi rắn vì sợ bị thêm thẻ, Tây Ban Nha đã phát huy được phẩm chất kỹ thuật của mình và trong một tình huống phản công sắc bén, họ đã có điều mình muốn. Bàn thắng của Iniesta không những giúp Tây Ban Nha đăng quang, chọn được người xứng đáng đứng lên bục vinh quang cao nhất mà còn cứu mùa World Cup 2010 đầy toan tính, thực dụng.

Bình tâm nhìn lại World Cup, có thể thấy những đội bóng nổi tiếng đá đẹp như Brazil, Hà Lan cũng sẵn sàng từ bỏ nét đẹp truyền thống để đi theo con đường thực dụng, cho thấy bóng đá thời hiện đại đã quá chú trọng đến kết quả mà quên mất rằng, bản thân bóng đá cũng chỉ là một trò chơi thể thao, là niềm vui. Cho nên, nếu Tây Ban Nha không vô địch lần này, hẳn là ở vòng chung kết sau, chẳng đội nào dám chơi bóng đá tấn công cống hiến và đẹp mắt. Và lúc ấy, vòng chung kết có lẽ sẽ là các “phiên bản Hà Lan”, khác chăng chỉ là ở trình độ thực dụng mà thôi.

LÊ MINH