Tà áo dài, chiếc nón lá, trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số…, những hình ảnh thân thương ấy đã được các thí sinh mang đến Hội thi Văn nghệ quần chúng ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch (diễn ra ngày 1-7-2010). Cùng với đó là một không gian âm nhạc mang màu sắc dân gian, dân tộc, thể hiện được tâm tình của người diễn đối với quê hương, đất nước.
Tà áo dài, chiếc nón lá, trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số…, những hình ảnh thân thương ấy đã được các thí sinh (TS) mang đến Hội thi Văn nghệ quần chúng ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch (diễn ra ngày 1-7-2010). Cùng với đó là một không gian âm nhạc mang màu sắc dân gian, dân tộc, thể hiện được tâm tình của người diễn đối với quê hương, đất nước.
|
“Dạ cổ hoài lang” - tiết mục được nhiều khán giả yêu thích. |
Ngày 1-7, hội trường Nhà Thiếu nhi tỉnh tràn ngập trong những âm thanh lúc hào hùng, khi sâu lắng tình quê qua các tiết mục văn nghệ của các đơn vị tham dự hội thi. Bước vào không gian ấy, khán giả như được “chiêu đãi” những “món ăn” thuần Việt qua cách dàn dựng, biểu diễn của các TS. Mở đầu chương trình, tiết mục Quê hương ba miền của Trung tâm Văn hóa tỉnh gợi lên trong lòng người xem những hình dung về phong cảnh non nước hữu tình của 3 miền đất nước. Cùng với đó là những giá trị văn hóa được hun đúc bao đời trong cuộc sống người Việt. Trung tâm Quản lý di tích - danh lam thắng cảnh tỉnh lại mang đến hội thi một không gian Tây Nguyên bao la, hùng vĩ, kiên trung nhưng cũng da diết tình thương, nỗi nhớ với tiết mục múa Hương sắc Tây Nguyên và độc tấu đàn Bóng cây K’nia. Tiết mục Bức họa đồng quê của Công ty Cổ phần Tân Việt thể hiện hình ảnh những thôn nữ trong niềm vui ngày mùa. Đơn vị Thư viện tỉnh lại đưa người xem đến với không gian của một vùng quê đồng bằng Bắc bộ với hình ảnh mái đình, tiếng trống chèo qua tiết mục Mái đình làng biển… Giọng hát của TS Hoàng Yến đã phần nào thể hiện được chất chèo của ca khúc, phần múa phụ họa phục vụ tốt cho phần hát. Mang đậm chất dân gian, dân tộc nhất là phần thi của Công ty Cổ phần Yasaka-Saigon-Nhatrang. 3 tiết mục của đơn vị này như một nét phác họa về đất nước từ xưa đến nay, từ Bắc đến Nam, của người Kinh và người Chăm. Tiết mục hát múa Chuyện thành Cổ Loa dựa trên truyền thuyết An Dương Vương được thể hiện rất tốt, có sự đầu tư trong khâu dàn dựng, trang phục đẹp, phù hợp với chủ đề của tiết mục. Tất cả đã mang đến cho người xem một cái nhìn bi hùng về một giai đoạn trong tiến trình lịch sử đất nước. Trong khi đó, tiết mục múa Mùa xuân trên tháp cổ phần nào thể hiện được nét văn hóa độc đáo của đồng bào Chăm. Đặc sắc nhất vẫn là tiết mục múa Dạ cổ hoài lang. Hình ảnh người thiếu phụ sống vào đầu thế kỷ XX được khắc họa khá thành công với trang phục là những bộ áo dài xưa, mái tóc dài, chiếc nón lá. Cùng với đó là việc sử dụng một số loại nhạc cụ dân tộc như: đàn tì bà, đàn tranh, đàn bầu… Trên nền nhạc “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, các TS đã thể hiện được tâm trạng của người thiếu phụ trong đêm trường nhớ chồng. Tuy đây là tiết mục được dàn dựng lại theo tác phẩm của Đoàn Nghệ thuật Bông Sen (TP. Hồ Chí Minh), nhưng làm được như thế cũng là một điều đáng ghi nhận.
Ngoài ra, hội thi còn có những tiết mục thể hiện được sự sáng tạo của các đơn vị tham gia. Các tiết mục như: Ngẫu hứng lý qua cầu (Trung tâm Văn hóa tỉnh); Angella - Địa chỉ chúng tôi (Công ty Cổ phần Khách sạn Hữu Nghị); Chiếc thuyền nan (Bảo tàng tỉnh); Mối tình qua những tựa đề phim (Trung tâm Điện ảnh tỉnh)… đã gây được ấn tượng đối với khán giả. Ở đó, người xem không chỉ thấy được nét dí dỏm, vui nhộn mà còn thấy được tình cảm và niềm tự hào về công việc của TS.
Bên cạnh những tiết mục được dàn dựng công phu, có sự đầu tư của các đơn vị tham dự hội thi, vẫn có nhiều đơn vị tỏ ra “yếu tay”. Đây chủ yếu là những đơn vị có số lượng tiết mục không đủ, thể loại đơn điệu, phần trình diễn đơn giản, chưa đầu tư về chất lượng. Khâu chọn bài hát của nhiều đơn vị chưa phù hợp với khả năng của mình nên khi thể hiện không đạt được hiệu quả như ý muốn. Ở nhiều tiết mục, phần múa minh họa không ăn khớp với phần hát, một số tiết mục sử dụng đạo cụ không phù hợp với chủ đề tác phẩm… Nhạc sĩ Hình Phước Long - Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi cho biết: “Việc nhìn nhận những hạn chế của cuộc thi là để các đơn vị rút kinh nghiệm nhằm hoàn chỉnh hơn cho những cuộc thi sau. Thực tế đã cho thấy, những tiết mục đạt kết quả cao đều được đầu tư công phu. Nhìn chung, với một cuộc thi văn nghệ quần chúng, chất lượng của những tiết mục như thế là rất tốt. Điều quan trọng hơn, hội thi đã chọn ra được những nhân tố cho ngành Văn hóa - Thể thao và Du lịch”.
NHÂN TÂM