07:07, 18/07/2010

Tái hiện không khí đấu tranh sục sôi và hình ảnh quê hương thân thương

Sân vận động 16-7 (huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa) tối 16-7 đã thực sự gây được ấn tượng trong lòng người xem với chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

Sân vận động 16-7 (huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa) tối 16-7 đã thực sự gây được ấn tượng trong lòng người xem với chương trình nghệ thuật kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Người xem đã bị hút bởi không khí đấu tranh cách mạng sục sôi của 80 năm về trước trên quê hương Tân Định (nay là huyện Ninh Hòa), cũng như hình ảnh về mảnh đất, con người Khánh Hòa thân thương trên những chặng đường phát triển…

Tối 16-7, hàng ngàn người dân đã tề tựu về sân vận động 16-7 (huyện Ninh Hòa) dự lễ mít tinh kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa, đồng thời thưởng thức chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu với sự tham gia của 150 diễn viên, cộng tác viên và 200 quần chúng. Chương trình nghệ thuật gồm 2 phần: Phần 1 vớiù chủ đề “Bài ca ngày 16 tháng 7”; phần 2 với chủ đề “Khánh Hòa quê hương tôi”.

Tiết mục biểu diễn trong đêm tổng duyệt “Quà tháng 5 dâng Người”.
Tiết mục mở đầu chương trình dẫn dắt người xem bằng âm nhạc, ánh sáng tăng dần, diễn tả “Sắc xanh ngày mới” trên miền đất Khánh Hòa với không gian đầm sen, đồng lúa vàng trĩu hạt bên bờ biển biếc xanh. Trên nền đó, xuất hiện hình ảnh hai bà cháu “Về lại chốn xưa”. Câu chuyện được bắt đầu bằng hồi ức của cụ già kể cho cháu mình nghe về ngày xưa - ngày 16-7 bất diệt, ngày mà toàn thể người dân trên quê hương Tân Định một lòng đi theo Đảng, đứng lên đòi quyền dân sinh, dân chủ; để đến hôm nay, bài ca ngày 16-7 còn vang trong trái tim của biết bao người con Khánh Hòa.

Ca cảnh “Bài ca ngày 16 tháng 7” khắc họa lại cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân huyện Ninh Hòa. Diễn tiến của cuộc đấu tranh được thể hiện bằng chính ca khúc “Bài ca ngày 16 tháng 7”. Âm hưởng của màn múa trống cùng hình ảnh đầu hàng của Tri huyện Đinh Bá Cẩn thể hiện cao trào của cuộc đấu tranh. Dải lụa đỏ kéo dài suốt sân khấu và giương cao thành lá cờ Đảng, phía dưới là sóng biển, đồng lúa tượng trưng cho sự thắng lợi của cuộc đấu tranh. Tinh thần ngày 16-7 mãi là niềm tự hào để lớp lớp cháu con trên quê hương Khánh Hòa cùng siết chặt tay “Hát mãi bài ca Người cộng sản”. Quê hương thanh bình với hình ảnh những em thơ tung tăng cắp sách đến trường. Giữa “xứ trầm, biển yến”, các cháu được tự do vui chơi, ca hát, sống trong hạnh phúc, ấm no. “Quà tháng 5 dâng Người” (Hồng Đăng) chính là sự thể hiện tình cảm của lớp lớp cháu con không bao giờ quên công ơn Bác. Giữa không gian đó, một câu hò ngân xa gợi về dòng sông quê hương. Tiếng hát ngọt ngào của ca sĩ Thanh Thúy (“Nhớ sông Dinh” - Hình Phước Long) đưa người nghe chìm đắm trong hồi tưởng về con sông Dinh thơ mộng, hiền hòa trôi giữa đôi bờ rợp bóng tre xanh. Những động tác múa uyển chuyển, mềm mại đã hỗ trợ ý nghĩa của ca khúc. Từ sông Dinh, người xem lại liên tưởng đến với “Hương rừng” (Bảo Chấn - Hình Phước Liên). Tiết mục hòa tấu đàn đá với một số nhạc cụ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên kết hợp cùng màn múa của những thiếu nữ người dân tộc thiểu số đã dẫn dắt người xem vào một ngày hội. Tổ khúc giao duyên “Hương đồng thơm vị biển” (sáng tác Ngô Hữu Ly) mang đến một không gian sản xuất bình dị của những cô thôn nữ gặt lúa và những chàng trai ngư phủ. “Câu hò quê hương” (Hình Phước Liên) được cất lên trong khung cảnh lao động cho cảm giác thêm khỏe khoắn, lạc quan. Liên khúc “Khánh Hòa quê hương tôi” chấm phá những vẻ đẹp, tiềm năng của xứ Trầm Hương. Các ca khúc được sử dụng trong liên khúc là những tác phẩm viết về Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, Diên Khánh, Vân Phong, sử dụng tiết tấu nhanh, sôi động, khá thu hút khán giả. Quê hương Khánh Hòa tự hào có quần đảo Trường Sa - vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc. Niềm tự hào đó thể hiện qua ca khúc “Gặp anh trên đảo Sinh Tồn” (Hình Phước Long) và “Khúc quân ca Trường Sa” (Đoàn Bổng). Tiết mục hát múa “Khánh Hòa chào ngày mới” (Hình Phước Liên) ca ngợi sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng; lòng trung thành, tinh thần chiến đấu và lao động sáng tạo của người dân Khánh Hòa đang góp phần phát triển quê hương ngày càng giàu mạnh.

Chương trình được đầu tư dàn dựng khá công phu, cuồn cuộn như dòng thác, khắc họa những bước chuyển lịch sử của cuộc đấu tranh cách mạng 80 năm trước, đã đáp ứng được kỳ vọng của mọi người.

NHÂN TÂM