05:06, 18/06/2010

Trái bóng tròn

Khi nhắc đến yếu tố bất ngờ trong bóng đá, người ta thường muốn nhắc đến những đội bóng được đánh giá mạnh hơn nhưng không thể vượt qua, thậm chí để thua trước các đội bóng yếu hơn.

Khi nhắc đến yếu tố bất ngờ trong bóng đá, người ta thường muốn nhắc đến những đội bóng được đánh giá mạnh hơn nhưng không thể vượt qua, thậm chí để thua trước các đội bóng yếu hơn. Sau 16 trận đấu ở lượt đấu đầu tiên của vòng bảng, khi tất cả 32 đội bóng đã trình diễn trên các sân cỏ ở Nam Phi, người hâm mộ lại bất ngờ trước sự yếu kém đến kỳ lạ của các ứng cviên cho chức vô địch; đồng thời “sốc” trước màn trình diễn tuyệt vời của các đội “kèo dưới”.

Khi đội tuyển Pháp không thể vượt qua Uruguay, người ta coi đó là bất ngờ. Nhưng trận cầu lại chứng minh các học trò của Huấn luyện viên (HLV) Raymond Domenech đã không hề vượt trội so với đối thủ cả về lối chơi lẫn những pha tranh chấp tay đôi. Sau đó, đến lượt Anh hòa Mỹ, Ý chia điểm với Paraguay, Bồ Đào Nha không thể vượt qua Bờ Biển Ngà, và đỉnh cao của sự bất ngờ mang tên Tây Ban Nha sau trận thua… “chấn động” trước Thụy Sĩ.

Đã có nhiều bất ngờ xảy ra, bất ngờ đến khó tin. Nhưng nếu nhìn lại những gì mà các “ông lớn” đã thể hiện thì kết quả cuối cùng không hề chứng minh đó là những bất ngờ. Một tuyển Pháp quá cầu toàn và chậm chạp. “Những chú sư tử Anh” tuy đã có được thế trận nhưng lại quá vội vàng, thiếu tỉnh táo để có thể giải quyết trận đấu sau một sai lầm của thủ môn. Cần nhớ, các tuyển thủ Anh đều là những tên tuổi đẳng cấp và dạn dày kinh nghiệm, nhưng lại không thể xuyên phá nổi hàng phòng ngự chắc chắn, kỷ luật của đội tuyển Mỹ. Cũng giống như Tây Ban Nha với thời gian kiểm soát bóng gần như chiếm trọn 90 phút, nhưng lại dồn ép đối phương lùi quá sâu về sân nhà để vô hình trung trở thành một bức tường quá vững chắc. Đã thế, các cầu thủ Tây Ban Nha chơi bài tạt cánh vốn dĩ quá xa lạ mà “quên” rằng, sức mạnh của đội bóng xứ “đấu bò” nằm ở những pha bóng sệt, chuyền một chạm tinh tế và những đường chọc khe hiểm hóc. Sai về chiến thuật, nên ngay cả khi cặp tiền đạo Villa - Torres được thi đấu cạnh nhau, cùng với sự hỗ trợ của Xavi, Iniesta, những pha tạt cánh đánh đầu của Tây Ban Nha vẫn đưa trận đấu rơi vào thế bế tắc, và trong số gần 30 cú dứt điểm về phía khung thành đối phương, chỉ có một pha sút xa của Xabi Alonso là có khả năng thành bàn. Ngược lại, các cầu thủ Thụy Sĩ đã chiến đấu một cách đầy kiên cường, biết chắt chiu cơ hội và thêm một chút may mắn, họ xứng đáng với 3 điểm.

Với các đại diện đến từ châu Á, cái ngày mà Hàn Quốc hạ gục nhà vô địch EURO 2004 - Hy Lạp cũng được xếp vào loại… kinh điển. Nhưng cả 2 bàn thắng mà các cầu thủ xứ “kim chi” dội vào lưới đối phương là hệ quả mang tính tất yếu khi họ đã hoàn toàn lấn lướt và làm chủ thế trận suốt từ đầu đến cuối. Rồi đến khi Nhật Bản khuất phục Cameroon, bóng đá châu Á đã có thể “nở mày nở mặt”. Ngay cả trận thua của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên trước Brazil với cách biệt tối thiểu, làng túc cầu giáo thế giới như muốn nổ tung khi suốt hiệp 1, Triều Tiên đã chơi hoàn toàn “ngang cơ” với đội bóng xếp trên mình 104 bậc trong bảng xếp hạng của FIFA. Phải đợi đến pha dứt điểm không tưởng của Maicon ở phút 55, đội bóng từng 5 lần vô địch thế giới mới phá được thế bế tắc. Để thua chung cuộc 1-2, nhưng thầy trò HLV Kim Dong Hun đã để lại những dấu ấn rất ngọt ngào và chứng tỏ họ không phải là viên sỏi lót đường dù rơi vào bảng đấu được định danh là “tử thần”.

C.Đ