Sau trận thua đau đớn trước đội tuyển Đức, báo chí Anh đã xỉ vả đội nhà không tiếc lời và dĩ nhiên nặng nề nhất vẫn là Huấn luyện viên (HLV) Fabio Capello. Theo các tờ báo của Anh, ông Capello đã phạm đến 10 sai lầm khiến tuyển Anh thi đấu kém cỏi và phải về nước sớm.
Sau trận thua đau đớn trước đội tuyển Đức, báo chí Anh đã xỉ vả đội nhà không tiếc lời và dĩ nhiên nặng nề nhất vẫn là Huấn luyện viên (HLV) Fabio Capello. Theo các tờ báo của Anh, ông Capello đã phạm đến 10 sai lầm khiến tuyển Anh thi đấu kém cỏi và phải về nước sớm.
Thứ nhất, ông không hề tiết lộ đội hình trong trận đấu với Đức đến độ 2 tiếng trước giờ bóng lăn, Terry không biết mình sẽ đá cặp với ai. Thứ 2, ông mang theo quá nhiều cầu thủ chưa bình phục chấn thương như Ferdinand, Barry, Ledley King. Thứ 3, quá tin dùng cầu thủ trẻ Milner (dù anh này vẫn bị ốm). Thứ 4, xem Barry như là “chúa cứu thế” trong khi hiệu suất ghi bàn của anh cho Manchester City rất thấp: 3 bàn/43 trận. Thứ 5 là “lơ” tiền vệ Joe Cole dù anh có phong độ rất tốt trong các trận đấu làm nóng trước giải. Thứ 6 là bỏ rơi Darent Bent (cây săn bàn thứ 2 ở giải Ngoại hạng Anh) để tin dùng Heskey (chỉ ghi được 3 bàn/mùa giải). Thứ 7 là đảo vị trí trung vệ trái của Terry cho Upson và cả hai cầu thủ đều không thoải mái với cách sắp xếp này. Thứ 8 là cất 2 cầu thủ có tốc độ nhất là Walcot và Adam Johnson ở nhà trong khi các cầu thủ còn lại đều rất chậm chạp. Thứ 9 là tin dùng thủ môn Green thiếu kinh nghiệm ở trận đầu và cuối cùng là quá bảo thủ với sơ đồ 4-4-2 dù không hiệu quả trong khi ai cũng thấy đội hình 4-5-1 mà Gerard hỗ trợ cho Rooney là rất thành công.
10 điều này có đúng? Xét về mặt chuyên môn, những điều báo chí Anh đưa ra là rất hợp lý bởi đó là ý kiến của nhiều chuyên gia, nhiều cây bút có uy tín. Nhưng xét về mặt tổng thể, 10 điều sai lầm đó chỉ là cách mà báo chí vẫn thường làm là “vơ bèo gạt tép” sau khi đội nhà thua trận. Cái chính vẫn là đội tuyển Anh đã thiếu sức bật, thiếu khẳ năng để chinh phục đỉnh cao thế giới tại kỳ World Cup này. Dĩ nhiên, khi tuyển Anh đã bị loại thì nói sao cũng được, song có một điều khiến những người yêu mến đội tuyển Anh cảm thấy sự thất bại của họ là điều có thể dự đoán trước đó là lối chơi vô hồn và kém thuyết phục của “Tam sư” từ đầu mùa giải. Trong các trận đấu của tuyển Anh, còn đâu những cú tắc bóng quyết liệt của Gerrard, những cú xử lý bóng nhanh nhẹn và hợp lý của Rooney, còn đâu sự lăn xảû của Lampard như ở Chelsea, cũng chẳng thấy Terry hò hét đồng đội, hằm hằm lao lên trong những pha phạt góc như thuở trước khi anh bị “sự cố Wayner Bridge”. Các ngôi sao đã vậy, còn những cầu thủ trẻ như Green, Milner, Glenn Johnson cũng khẳng khá hơn, họ thi đấu với nỗi sợ hãi sẽ phạm sai lầm nên rất máy móc và vô hồn. Capello có thể sai lầm khi không tin dùng Joe Cole, Bent, có thể bảo thủ với đội hình 4-4-2 nhưng nếu mỗi vị trí mà ông tin tưởng thi đấu với một khát vọng, sự cống hiến hết sức thì nào đến nỗi.
Nếu xét về thế trận, tuyển Anh cũng không phải quá kém để Đức có thể vùi dập đến 4-1, nếu may mắn thì họ đã có thể dẫn trước 3-2 nếu trọng tài công nhận bàn thắng và quả đá phạt của Lampard không đi trúng xà ngang. Tuy nhiên, điều có thể thấy rõ nhất là quyết tâm hừng hực của các cầu thủ trẻ còn chưa thành danh của tuyển Đức “ăn đứt” các ngôi sao Anh quốc. Họ thi đấu như thể đang “thuần phục” một con thú dữ; nhẫn nại, khéo léo và “sắc lẹm” khi đối phương sai lầm. Những cú xoạc bóng, những pha tranh chấp của cầu thủ Đức đều toát lên lòng quyết tâm cao độ trong khi các ngôi sao của Anh thì ngược lại. Không biết có phải họ nghĩ rằng mình đã thành danh, đã quá nhiều tiền, tiền thưởng ở World Cup chỉ bằng vài tháng lương ở câu lạc bộ, thua World Cup nào phải tận thế… hay không mà thiếu hẳn đi sự quyết tâm. Đá như vậy thì thua là đúng chứ còn gì?
Cho nên, nếu cứ đổ hết lỗi cho Capello thì cũng chẳng phải dù ông thực sự có những sai lầm. Nhưng nếu Anh biết chiến đấu vì màu cờ sắc áo, hẳn những sai lầm đó chả là nghĩa lý gì. Chẳng đâu xa, HLV Maradona của Argentina đấy. Ông cũng có hàng đống sai lầm, thậm chí còn nhờ Mourinho tư vấn chiến thuật, nhưng vì tập thể mà ông “gầy dựng” chơi “máu” quá, “bốc” quá nên thắng như chẻ tre và chẳng ai nhớ đến sai lầm của ông.
Vậy đấy, một lần nữa câu nói bất hủ của Linerker sau trận đấu bán kết World Cup 1990 giữa Anh và Đức lại đúng: “Bóng đá là một trò chơi có 22 người quần nhau một trái bóng, trọng tài mắc hàng đống lỗi và cuối cùng Đức thắng”. Hồi đó, tuyển Anh chơi cực hay nhưng thua sự lạnh lùng và khoa học của người Đức; còn trận đấu này, Anh đã tự thua vì tinh thần bạc nhược của mình.
LÊ MINH