Khi vòng đấu bảng là sự thống trị của bóng đá thực dụng, số bàn thắng đẹp đến từ những trận cầu cởi mở trở nên hiếm hoi, thì các vị “vua áo đen” lại không tiếc tay vung… thẻ phạt.
Khi vòng đấu bảng là sự thống trị của bóng đá thực dụng, số bàn thắng đẹp đến từ những trận cầu cởi mở trở nên hiếm hoi, thì các vị “vua áo đen” lại không tiếc tay vung… thẻ phạt. Còn khi bước vào loạt trận vòng 16 đội - nơi các trận đấu đầy ắp bàn thắng và giàu cảm xúc thì các quyết định sai lầm của trọng tài lại ảnh hưởng không nhỏ đến cục diện của trận đấu. Có vẻ như giới trọng tài cũng là một trong những nhân tố… khác biệt, tạo nên bất ngờ vốn đang tràn ngập ở Nam Phi.
Trong 48 trận đấu ở vòng bảng, đã có 101 bàn thắng được ghi, trung bình 2,1 bàn/trận. Đó là một con số không đến nỗi tồi trong bóng đá, nhưng nếu phân tích sâu hơn, sở dĩ số bàn thắng trung bình cho mỗi trận đấu vẫn nằm ở mức chấp nhận được là vì bên cạnh các chuỗi trận khan hiếm bàn thắng, lại có trận đấu các tiền đạo ghi tới 7 bàn. Ngoài ra, có 2 trận 5 bàn thắng và 3 trận 4 bàn thắng. Trong khi số trận chỉ có 1 pha lập công lên đến con số 13 và có tới 6 trận đấu chẳng có bàn thắng nào.
Những sai lầm liên tiếp của các trọng tài đã ảnh hưởng đến cục diện trận đấu tại World Cup 2010. |
Điều đáng nói là trong các tình huống xử lý của mình, các trọng tài điều hành tại Vòng chung kết World Cup 2010 đã nhận được rất nhiều phàn nàn từ các đội bóng, giới trung lập và ngay cả các đội được hưởng lợi từ những quyết định sai lầm. Chắc hẳn đội tuyển Tây Ban Nha không thể quên 2 tình huống lẽ ra họ phải được hưởng phạt đền sau những pha vào bóng thô bạo của hậu vệ đối phương ngay trong khu vực cấm khi đối đầu với Thụy Sĩ, trận đấu mà “bò tót” đã bị hạ gục 0-1. Hay như chiếc thẻ đỏ từ… trên trời rơi xuống dành cho Kaka trong trận Brazil gặp Bờ Biển Ngà. Rồi chuyện Ronaldo phản ánh với trọng tài việc mình bị Guy Demel (Bờ Biển Ngà) lao thẳng cả 2 chân vào ống quyển nhưng thay vì tìm cách phân xử, trọng tài Jorge Larrionda lại tặng cho siêu sao Bồ Đào Nha một chiếc thẻ vàng. Còn nữa, chiếc thẻ đỏ mà Tim Cahill phải nhận trong một pha vô tình để bóng chạm tay là một quyết định quá nặng nề của trọng tài, ảnh hưởng đến cục diện trận thua muối mặt 0-4 của Australia trước “cỗ xe tăng” Đức.
Tạm biệt vòng bảng với cả niềm vui, bất ngờ và thất vọng, 16 đại diện xuất sắc nhất bước vào loạt “đấu súng” với hy vọng ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh sẽ sôi động, quyết liệt và giàu cảm xúc hơn. 2 trận đấu đầu tiên, Ghana và Urugoay tiếp tục điền tên mình vào vòng tứ kết, “hổ châu Á” Hàn Quốc và Mỹ là những cái tên bị loại. Nhưng ít ra, họ đã để lại những ấn tượng rất tuyệt vời về tinh thần thi đấu - cống hiến hết mình và đã có 6 bàn thắng được ghi. Đó là một con số đẹp cho những trận cầu có tính chất knock-out.
Nhưng khi bàn thắng đã nhiều hơn, những trận đấu không còn cầu toàn như trước, thì vấn đề trọng tài tiếp tục gây nhức nhối bằng những tình huống sai lầm nghiêm trọng hơn. Đó không chỉ là thẻ phạt, mà còn là chuyện công nhận hay không bàn thắng - thứ mà người ta dùng để xác định thắng - thua. Ở loạt “đấu súng” thứ 2, “cuộc chiến” Đức - Anh được coi là trận chung kết thứ nhất. Khi người Đức đang dẫn trước 2-1 trong một thế trận khá cân bằng, thì cú dứt điểm đẳng cấp của Lampard đã đưa bóng dội xà ngang bật vào khung thành đội tuyển Đức với một khoảng cách rất rõ ràng (nằm sau vạch vôi chừng 30cm), nhưng trọng tài chính Larrionda lại không nghĩ thế. Và kết cục là tuyển Anh chia tay World Cup với trận thua tan nát 1-4. Ngay sau đó, đến lượt trọng tài Rosetti giúp Mexico… về nước khi công nhận bàn thắng mở tỷ số cho Argentina của Tevez (bàn thắng mà tiền đạo đang chơi cho Manchester City rơi vào thế việt vị hơn 2m). Trước đó, Mexico tuy được đánh giá thấp hơn nhưng cũng đã tạo ra được một thế trận rất cân bằng trước Argentina.
World Cup 2010 tiếp tục hành trình theo từng đường bay tinh quái của trái bóng jabulani, giữa tiềng kèn vuvuzela sôi động. Và có vẻ như, món “đặc sản” của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh ấy còn là những pha xử lý rất… bất ngờ của các trọng tài.
C.Đ