02:06, 30/06/2010

Khâm phục!

Khi tính thực dụng đang ngày càng “bành trướng” ở các trận đấu World Cup 2010, một trận đấu “đẹp” theo đúng nghĩa của nó đã trở nên khan hiếm, thì 2 trận đấu đầu tiên ở vòng 1/8 diễn ra tối 26 và rạng sáng 27-6 giữa Uruguay - Hàn Quốc, Mỹ - Ghana không chỉ mang dáng dấp của trận cầu “sinh tử” mà nó còn cổ súy cho thứ bóng đá tấn công đẹp mắt vốn đã bị mai một đi rất nhiều trong bóng đá hiện đại.

Khi tính thực dụng đang ngày càng “bành trướng” ở các trận đấu World Cup 2010, một trận đấu “đẹp” theo đúng nghĩa của nó đã trở nên khan hiếm, thì 2 trận đấu đầu tiên ở vòng 1/8 diễn ra tối 26 và rạng sáng 27-6 giữa Uruguay - Hàn Quốc, Mỹ - Ghana không chỉ mang dáng dấp của trận cầu “sinh tử” mà nó còn cổ súy cho thứ bóng đá tấn công đẹp mắt vốn đã bị mai một đi rất nhiều trong bóng đá hiện đại. Tuy đã có kẻ ở người đi, nhưng đội tuyển Hàn Quốc đã rời cuộc chơi trong thế ngẩng cao đầu. Còn kẻ ở lại Ghana lại khiến chúng ta khâm phục ở tinh thần thi đấu quật khởi, rất đáng tôn trọng.

Thường thì ở một trận cầu có tính chất knock-out, yếu tố an toàn được đặt lên trên hết. Thế nên, các trận cầu một mất một còn ấy thường có xu hướng thiên về phòng ngự chặt chẽ trước khi nghĩ đến các đợt tấn công. Nhưng cả Uruguay, Mỹ, Hàn Quốc và Ghana lại không nghĩ thế. Có lẽ với họ, bóng đá là một cuộc chơi mà ở đó các cầu thủ sẽ lao lên phía trước và đội thắng trận là kẻ ghi được nhiều bàn thắng hơn so với bàn thua. Hàn Quốc trong thế “chiếu dưới” và đứng trước trận cầu lịch sử đã chơi một trận đấu như thể họ mới là đội “chiếu trên”. Đáp lại, Uruguay với lối chơi bài bản cũng bố trí tới 3 tiền đạo phía trên hòng gây sức ép. Và không có gì đáng ngạc nhiên khi “niềm hy vọng của châu Á” tràn ngay sang sân đối phương sau tiếng còi khai cuộc với quyết tâm đẩy đối thủ lui về sân nhà. Đội bóng Nam Mỹ cũng chẳng phải tay vừa khi coi mặt trận tấn công mới là chiến trường chính. Nếu như cú dứt điểm của ngôi sao đá phạt Park Chu-Young bên phía Hàn Quốc khiến cột dọc đối phương phải rung lên bần bật thì đến lượt Suarez nhận đường chuyền của Forlan đệm bóng cận thành mở tỷ số trận knock-out đầu tiên khi đồng hồ mới chỉ sang phút thứ 7. Để rồi từ đó, những pha ăn miếng trả miếng liên tục được hai đội tạo ra. Người Hàn hiểu rằng, phòng ngự không phải là thế mạnh của mình và họ dùng cách tấn công tổng lực để khỏa lấp đi điểm yếu đó. Với thể lực đáng ngạc nhiên, Hàn Quốc đã chơi một trận cầu sòng phẳng và có được bàn san hòa tỷ số ở phút 68. Nhưng tinh thần quả cảm và quyết tâm ngút ngàn vẫn không giúp các học trò của Huấn luyện viên Huh Jung-Moo vượt qua được một Uruguay cũng tràn đầy khát khao và mưu mẹo. Hơn một chút kinh nghiệm và tính bài bản trong lối chơi, Uruguay còn có thêm những cá nhân xuất sắc. Và trận đấu này là của Suarez với cú đúp bàn thắng, trong đó bàn thắng thứ 2 mà Uruguay có được xuất phát từ một cú dứt điểm thuộc vào loại kinh điển của tiền đạo mang áo số 9 này. Rời sân chơi World Cup, nhưng Hàn Quốc đã để lại những ấn tượng rất tốt đẹp, rằng một ngày không xa, bóng đá châu Á sẽ vươn đến tầm thế giới.

Cũng như Hàn Quốc, Ghana bước vào “đọ súng” với Mỹ trong tư thế của kẻ yếu hơn. Nhưng những gì diễn ra trên sân lại chứng tỏ một khi Ghana là niềm hy vọng của cả châu Phi thì họ trở nên đáng sợ như thế nào. Bằng chứng là Ghana đã có một trận cầu ngang ngửa, giành giật với Mỹ từng “tấc đất” trong suốt 120 phút. Tuyển Mỹ thị uy bằng lối chơi có phần khoa học hơn trong khi các cầu thủ Ghana đã thi đấu như thể đây là màn trình diễn thể lực. Mỗi bên đã có một bàn thắng theo đúng tinh thần ăn miếng trả miếng. Nhưng yếu tố thể lực đã được các cầu thủ Ghana phát huy tác dụng trong 3 phút bù giờ. Chính yếu tố thể lực đã giúp Asamoah Gyan vẫn đứng vững sau pha tác động của hậu vệ đối phương, bứt phá với tốc độ chóng mặt và thực hiện pha sút nửa đẩy làm chết lặng hàng triệu con tim trót tin vào “giấc mơ Mỹ”.

Có một Ghana sung mãn đã giành quyền đi tiếp. Có một Hàn Quốc quả cảm đã rời bỏ cuộc chơi. Dù kẻ ở người đi thì họ vẫn rất đáng được tôn trọng và khâm phục.

H.Đ