Sau các tập “Buffet truyện ngắn Sài Gòn”, “Buffet truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long”, vào cuối tháng 5, đầu tháng 6-2010, Nhà xuất bản Trẻ và Tủ sách Sơn Ca đã ra mắt bạn đọc tập sách “Buffet truyện ngắn miền Trung”. Cuốn sách giới thiệu 20 truyện ngắn tự chọn cùng đôi nét về chân dung của 20 nhà văn đang sống và làm việc ở miền Trung từ Quảng Trị đến Bình Thuận.
Sau các tập “Buffet truyện ngắn Sài Gòn”, “Buffet truyện ngắn đồng bằng sông Cửu Long”, vào cuối tháng 5, đầu tháng 6-2010, Nhà xuất bản Trẻ và Tủ sách Sơn Ca đã ra mắt bạn đọc tập sách “Buffet truyện ngắn miền Trung”. Cuốn sách giới thiệu 20 truyện ngắn tự chọn cùng đôi nét về chân dung của 20 nhà văn đang sống và làm việc ở miền Trung từ Quảng Trị đến Bình Thuận.
Có thể nói, với 20 truyện ngắn viết về nhiều đề tài khác nhau, được thể hiện dưới những phong cách khác nhau, Buffet truyện ngắn miền Trung là một “bữa tiệc” khá đậm đà về văn học. Gọi là “bữa tiệc” bởi ở đó có hương vị ngọt ngào lẫn chua xót của tình yêu; có bi kịch giữa chữ “tài”, chữ “tiền” và chữ “tâm”; có tình yêu quê hương đất nước với những cảnh sơn thủy hữu tình và sự thật thà, chất phác của người dân quê… Những tác giả của “bữa tiệc” ấy thuộc mọi lứa tuổi, cách tiếp cận với vấn đề khác nhau, nhưng tất cả đều hướng người đọc đến đích cuối cùng, đó là những điều tốt đẹp của cuộc sống.
|
|
Từ vùng đất Quảng Trị, Nguyễn Bội Nhiên đã góp vào cuốn sách truyện ngắn Dòng sông Thành cổ với niềm tự hào về những trang sử oanh liệt một thời của quê hương mình. Từ Huế, cùng với Nguyên Quân viết về cuộc đời một nghệ sĩ hát rong trên đường phố (Hoạt phố), Bạch Lê Quang viết về mùa lũ ở quê nhà (Lũ ơi), nhà văn Trần Thùy Mai xuất hiện với truyện ngắn Người bán linh hồn đề cập đến vấn đề đạo đức trong sáng tạo nghệ thuật, và tác giả Việt Hùng cũng đề cập đến nghệ thuật nhưng ở một khía cạnh khác thông qua truyện ngắn Cô gái hoàng hôn. Nếu ở Đà Nẵng, hai cây bút Ngô Thị Thục Trang với truyện ngắn Trái tim đàn bà và Đinh Lê Vũ với truyện ngắn Đá cũng cần có nhau đều đề cập đến chuyện tình yêu thì ở Quảng Nam, Lê Trâm và Trương Anh Quốc đã giới thiệu trong tác phẩm của mình những người con xứ Quảng đầy cá tính thông qua truyện ngắn Nụ cười bí ẩn và Truyện đốt theo sông. Bên cạnh sự góp mặt của Nguyễn Anh Tuấn ở Quảng Ngãi với truyện ngắn Ông Hớn bán cà rem, nhiều cây bút mà bạn đọc từng quen biết ở Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận cũng gửi tác phẩm tham gia. Trong đó có Lê Hoài Lương với Tiếng chuông chiều viết về đề tài chiến tranh; Nguyễn Mỹ Nữ với Tiếng hát liêu điêu viết về một người đàn ông có một thân phận kỳ lạ; Phạm Hữu Hoàng với Thằng Ngật viết về người xưa để nói chuyện ngày nay; Ngô Phan Lưu với Việc trên đường viết về chuyện đời thường song có bao điều phải suy ngẫm; Huỳnh Thạch Thảo với Vệt sáng nơi chân sóng viết về bức tranh đầy màu sắc trên chuyến tàu ra khơi đánh cá ngừ đại dương; Khánh Liên với Người tình Phan Rang viết về một chuyện tình có pha màu sắc bí ẩn; Nguyễn Hiệp với Bông cỏ giêng viết về một loài hoa nhưng thực ra nói về thân phận con người. Riêng ở Khánh Hòa, tham gia trong tập Buffet truyện ngắn miền Trung lần này có 3 tác giả với 3 truyện ngắn viết về đời thường, đó là nhà văn Hoàng Nhật Tuyên với truyện ngắn Ký ức, Khuê Việt Trường với Hai đồng bạc lộc, nhà văn nữ Ái Duy với Vòng vèo thật giả.
Tuy còn một số nhà văn đang sống và làm việc ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận chưa gửi tác phẩm tham gia trong tuyển tập, nhưng có thể khẳng định, với nội dung phong phú, Buffet truyện ngắn miền Trung là cuốn sách tạo được dấu ấn với bạn đọc, góp thêm tiếng nói, khẳng định sức sáng tạo trên lĩnh vực truyện ngắn của các nhà văn miền Trung trong dòng chảy văn học cả nước hôm nay.
QUỲNH ANH