05:03, 15/03/2010

“May mắn và hạnh phúc khi được viết về Bác Hồ”

Hơn 40 năm cầm bút, nhà văn Nguyễn Gia Nùng đã có hàng chục đầu sách được xuất bản. Ngoài viết văn, ông còn có hơn 170 bài báo viết về Bác Hồ - người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Với ông, được viết về Bác là một điều may mắn, là niềm hạnh phúc. 

Hơn 40 năm cầm bút, nhà văn Nguyễn Gia Nùng đã có hàng chục đầu sách được xuất bản. Ngoài viết văn, ông còn có hơn 170 bài báo viết về Bác Hồ - người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Với ông, được viết về Bác là một điều may mắn, là niềm hạnh phúc. 

Nhà văn Nguyễn Gia Nùng

Trò chuyện với tôi, nhà văn Nguyễn Gia Nùng nói rằng: Viết về Bác Hồ như là cơ duyên, là điều may mắn trong cuộc đời ông. Năm 1965, kỷ niệm 75 năm ngày sinh của Bác, một số nhà xuất bản (NXB) có kế hoạch làm sách về Bác. Biết chuyện, Bác không đồng ý với lý do “thời chiến cần ưu tiên giấy cho học sinh”, nhưng thật ra Bác không muốn mọi người viết về mình, ca ngợi mình. Sau nhiều lần thuyết phục xin được in “một tập sách nói về tình cảm của giai cấp công nhân, cùng những người lao động cả nước với Bác”, Bác đồng ý cho NXB Lao động làm sách với lời dặn “chỉ nên ra sách mỏng”. Nhà văn Nguyễn Gia Nùng (khi ấy còn là một biên tập viên trẻ tuổi) và mấy cán bộ chủ chốt được giao nhiệm vụ tổ chức bài vở và biên tập cuốn sách. Chỉ trong một thời gian ngắn, tổ làm sách đã nhận được rất nhiều bài viết, tư liệu gửi về. Sau khi Bác Hồ đọc và góp ý, NXB Lao động đã cho ra đời cuốn sách “Chúng ta có Bác Hồ” dày hơn 200 trang rất đẹp. Sau cuốn sách này, nhà văn Nguyễn Gia Nùng và các đồng sự còn được Bác trực tiếp chỉ đạo làm bộ sách “Người tốt việc tốt”. Cho đến bây giờ, nhà văn vẫn nhớ như in về những kỷ niệm đáng nhớ đó: “Bác đã đánh dấu để lại không ít bài của những cán bộ cấp cao nhiều năm làm việc với Bác vì không muốn “mèo khen mèo dài đuôi”, ghi ý kiến cụ thể bên lề nhiều trang bản thảo đề nghị xem lại tính chính xác của tư liệu và cách dùng chữ nghĩa…”. “Đó là một bài học vô giá trong cuộc đời làm sách, viết văn - viết báo của tôi”, nhà văn Nguyễn Gia Nùng tâm sự.

Có trong tay nhiều tư liệu quý giá, được tiếp xúc với nhiều người từng có nhiều năm gần gũi Bác…, nhà văn Nguyễn Gia Nùng bắt đầu viết về Người. Từ đó, nhà văn thường được mời đi kể chuyện về Bác. Những chuyến đi, những lần nói chuyện ấy đã giúp nhà văn thấu hiểu thêm tình cảm của các tầng lớp nhân dân đối với Bác, đồng thời lại biết thêm nhiều chuyện về Bác. Nhờ đó, những trang viết về Bác Hồ của nhà văn Nguyễn Gia Nùng cứ ngày một nhiều thêm và đến nay ông đã viết hơn 170 bài báo về Bác Hồ. Năm 2007, NXB Công an nhân dân in tập sách “Đặc sắc văn hóa Hồ Chí Minh” với 46 bài viết chọn lọc từ những bài báo mà nhà văn đã viết. Năm 2008, “Đặc sắc văn hóa Hồ Chí Minh” được NXB Trẻ in lại, và được chọn là một trong 10 tác phẩm văn học - nghệ thuật xuất sắc được Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” Trung ương tặng thưởng nhân dịp kỷ niệm 119 năm ngày sinh của Bác (19-5-2009). Một tin vui cho nhà văn và bạn đọc, NXB Trẻ đang có kế hoạch tái bản tác phẩm này.

Đọc những bài báo viết về Bác của nhà văn Nguyễn Gia Nùng, người đọc phần nào thấy được chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh hùng giải phóng dân tộc - danh nhân văn hóa thế giới. Trong những câu chuyện (bài viết) rất xúc động như: Bác Hồ với gia đình luật sư Lô-dơ-bai, Bác Hồ với những người bạn cũ, Bác Hồ tặng ảnh với các nhà báo, Bác Hồ với người cao tuổi… Người luôn có cách ứng xử rất văn hóa. Vì thế, những người từng làm việc, gặp gỡ Bác đều có ấn tượng sâu đậm về nhân cách, văn hóa của Người. Trong bài viết “Đặc sắc văn hóa Hồ Chí Minh”, nhà văn Nguyễn Gia Nùng cho biết: Ngay từ năm 1923, khi gặp Người về dự Đại hội quốc tế Cộng sản tại Liên Xô, nhà báo ÔxipManđenxtam đã viết: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa châu Âu, mà có lẽ là nền văn hóa tương lai”… Những bài viết đó còn ẩn chứa tấm lòng yêu mến, kính phục của nhà văn với Bác, người đã hy sinh suốt cuộc đời cho dân tộc và nhân loại…

Viết về Bác Hồ rất nhiều, nhưng nhà văn Nguyễn Gia Nùng chưa bao giờ có ý định dừng lại. Ông tâm sự: “Viết về Bác cũng là một cách để chúng ta thấm nhuần hơn tư tưởng, đạo đức của Người. Còn cầm bút là tôi còn viết về Bác, bởi cuộc đời và sự nghiệp của Người luôn là một đề tài hấp dẫn, không bao giờ xưa cũ. Với tôi, viết về Bác là điều may mắn, hạnh phúc”.

 XUÂN THÀNH