11:02, 10/02/2010

Anh tài tụ hội

Chỉ khoảng 4 tháng nữa, sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh trong năm nay - vòng chung kết (VCK) World Cup 2010 sẽ khởi tranh...

Chỉ khoảng 4 tháng nữa, sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh trong năm nay - vòng chung kết (VCK) World Cup 2010 sẽ khởi tranh. Trừ đội chủ nhà, 31 đội bóng đã phải nỗ lực để góp mặt vào sự kiện này. Các “ông lớn” đều có mặt đầy đủ, các “ngôi sao” đều chuẩn bị sẵn sàng. Tất cả đều hướng đến một cuộc tranh tài đầy hấp dẫn. Chúng ta hãy lược nhìn những bước tiến của các đội bóng lớn trong hành trình đến Nam Phi…

 

Nhẹ nhàng…

Dễ dàng và thuyết phục nhất trong hành trình đến Nam Phi là đội tuyển Tây Ban Nha và Hà Lan. Quên đi thất bại đau đớn trước “gấu Nga” ở trận tứ kết Euro 2008, “Cơn lốc màu da cam” thực sự cuốn phăng mọi vật cản để giành suất đến Nam Phi đầy thuyết phục. Thắng tuyệt đối 8/8 trận, đội bóng của Huấn luyện viên (HLV) Van Marwijk trở thành ứng cử viên nặng ký cho chức vô địch. Trong khi đó, Tây Ban Nha cũng khẳng định sức mạnh của nhà vô địch châu Âu bằng 10 trận thắng tuyệt đối. Khi đội bóng “đầy ắp” những tài năng và có một nhà cầm quân mạnh mẽ như Del Bosque thì vào VCK chưa phải là mục tiêu cuối  cùng của họ.

Với rất nhiều “ngôi sao” và một HLV giỏi, đội tuyển Anh như hoàn toàn lột xác khi bước vào vòng loại World Cup 2010. Không còn cảnh các “ngôi sao” đỏng đảnh muốn gì được nấy… tất cả đều phải răm rắp dưới kỷ luật nghiêm khắc của HLV Capello. Tuyển Anh đã hoàn thành vòng loại một cách chóng vánh khi cán đích trước 2 vòng đấu bằng thắng lợi tuyệt đối, trong đó đáng kể nhất là 2 trận thắng trước Croatia - đối thủ từng loại đội tuyển Anh khỏi Euro 2008.

Đương kim vô địch Cope America, Brazil khởi đầu không mấy thành công, HLV Dunga đã bị khán giả nhà phản ứng vì kết quả nghèo nàn của Selecao. Thế nhưng, Brazil đã có bước tiến vượt bậc khi giành chiến thắng 4-0 và 3-0 trước Uruquay và kình địch Argentina ngay trên sân khách, qua đó vững bước cho đến khi hoàn thành chiến dịch vòng loại trước 3 vòng đấu. Brazil đã chấp nhận từ bỏ lối chơi hoa mỹ, cống hiến của các đội bóng Nam Mỹ để chơi thứ bóng đá thực dụng theo kiểu châu Âu. Và với các cầu thủ có trình độ xuất sắc bậc nhất thế giới, Brazil dễ dàng gặt hái những thành công dù ít nhiều đánh mất sự mến mộ của khán giả hâm mộ bóng đá đẹp.

… Nặng nhọc

Danh sách các “ông lớn” phải thi đấu đến cùng mới có thể bước qua vòng loại gồm Đức và Ý. Ở vòng loại, Đức nằm ở bảng tương đối nhẹ nhàng, với đối thủ chính là Nga của HLV Hiddink. Do thi đấu không ổn định nên tuyển Đức đã để mất điểm khiến Nga có cơ hội giành vé đi thẳng ở trận quyết định tại sân Moscow nếu thắng Đức. Tuy nhiên, với bản lĩnh của mình, tuyển Đức đã chiến thắng “gấu Nga” để giành vé đi thẳng. Tuy có một quá khứ lẫy lừng và bản lĩnh dày dạn nhưng kể từ World Cup 1990 đến nay, bóng đá Đức chưa một lần lên đỉnh cao nhất của thế giới. Đó là do bóng đá Đức không còn sản sinh được những lớp cầu thủ tài năng như trước. Người Đức bây giờ chỉ còn biết trông chờ vào Ballack và Klose. Có lẽ World Cup lần này sẽ là dấu chấm hết đối với lớp cầu thủ như Ballack, Klose, Podolski, Schweinsteiger, Lahm…

Tương tự, đương kim vô địch Italia nằm trong bảng đấu chỉ có Ireland là tương đối khó chơi, nhưng đội hình gồm quá nhiều “ngôi sao” già nua của HLV Lippi không tài nào bứt khỏi sự đeo bám của Ireland vốn được dẫn dắt bởi một người Ý nổi tiếng khác là Trappatoni. Và may mắn cho Ý là trong trận quyết định gặp Ireland, họ đã có bàn gỡ hòa vào phút cuối để giành vé đi thẳng trước 1 vòng đấu.

… và trầy trật

Pháp, Bồ Đào Nha và Argentina chính là 3 đội gây thất vọng nhất trong hành trình đến Nam Phi. Một đội hình toàn siêu sao, nhưng Argentina lại chỉ có thể quyết định vận mệnh của mình ở trận đấu cuối cùng. Bước ngoặt xảy đến với Argentina là khi họ quyết định mời Maradona làm HLV trưởng đội tuyển. Ở cương vị cầu thủ, ông là một huyền thoại, nhưng trong cầm quân, ông là một HLV tồi. Từ khi lên cầm quân, ông đã “thử nghiệm” đội hình Argentina không thương tiếc. Mỗi trận, HLV Maradona bố trí một đội hình khác nhau khiến Liên đoàn Bóng đá Argentina phải mời Bilardo trở lại làm phụ tá (thực chất là sửa chữa những sai lầm của Maradona). Rất may là các cầu thủ Argentina đều rất giỏi nên ở những trận quyết định, Argentina đều giành thắng lợi để ghi tên mình vào danh sách đến Nam Phi.

Đội tuyển Pháp thực sự gây thất vọng vì khả năng cầm quân quá tệ của HLV Dominech. Có trong tay toàn những hảo thủ, nhưng với thành tích kém cỏi khi để hòa và thua những đội bóng “tí hon” của châu Âu, tuyển Pháp phải muối mặt dự vòng play-off gặp Ireland. Tuy thắng ngay sân khách ở trận lượt đi, nhưng khi đá trên sân nhà, Pháp chơi rúm ró nên bị dẫn bàn. Phải nhờ đến pha chơi bóng bằng tay của Henry thì Pháp mới loại được Ireland. Đây cũng là vụ lùm xùm đáng nhớ nhất của vòng loại World Cup 2010.

Ở vòng bảng, tuy trong đội hình có “siêu sao” Ronaldo và nhiều hảo thủ khác nhưng Bồ Đào Nha vẫn thi đấu mờ nhạt. Vì thế, họ đành phải nhìn Đan Mạch cầm mất chiếc vé đi thẳng. Thế nhưng ở 2 lượt trận play-off, có lẽ nhờ sự thiếu vắng Ronaldo, Bồ Đào Nha chơi hay hơn hẳn và thắng cả 2 lượt trận để giành vé đến Nam Phi.

Cuộc chiến ở phía trước

Những đội còn lại, tuy thực lực không mạnh bằng các “ông lớn” nhưng họ hoàn toàn có thể gây bất ngờ. Trong số đó phải kể đến chủ nhà Nam Phi và các đội bóng đang rất “lên chân” như: Bờ Biển Ngà, Mexico, Cameroon, Uruquay, Paraquay, Mỹ, Nigieria, Ghana… VCK lần này gần như đã có đầy đủ những cầu thủ giỏi nhất của bóng đá thế giới. Điều đó hứa hẹn cuộc so tài đỉnh cao của các siêu sao như Messi, Ronaldo, Kaka… cũng như các màn đấu trí của các HLV.

Trước lễ bốc thăm, người ta hồi hộp chờ đợi lá thăm của Pháp và Bồ Đào Nha nhưng kết quả gần như hoàn hảo. Pháp rơi vào bảng cùng với chủ nhà Nam Phi và coi như là hạt giống số 1 của bảng này, điều đó khiến các “ông lớn” khác rất hài lòng. Bồ Đào Nha rơi vào bảng của Brazil và Bờ Biển Ngà để tạo ra một “bảng tử thần”. Với kết quả bốc thăm này, Kaka sẽ có dịp đối mặt với người đồng đội ở Real là Ronaldo, và Ronaldo cũng chẳng lạ gì Drogba thời còn thi đấu cho Manchester United. Đây sẽ là bảng đáng xem nhất. May mắn nhất có lẽ là Tây Ban Nha khi họ chỉ gặp những đối thủ “mềm” nhất của các nhóm gồm Thụy Sĩ, Honduras và Chile. Ý và Anh cũng khá may mắn khi trong bảng đều có các đội nhóm 3 và 4 khá yếu như New Zealand, Slovakia, Algieri, Slovenia. Hà Lan và Đức thì “mệt” hơn khi gặp những đối thủ mạnh của châu Phi và châu Á. Trong khi Đức gặp Úc, Serbia và Ghana thì Hà Lan phải đối đầu với Đan Mạch, Cameroon và Nhật. Ở bảng A (gồm Nam Phi, Pháp, Mexico và Uruquay) tương đối khó dự đoán vì các đội bóng đều khá mạnh và có thể gây bất ngờ. Cuối cùng, nếu trước đây nhìn vào các tên như Nigieria, Hàn Quốc, Hy Lạp thì có lẽ Argentina chẳng phải bận tâm, song với phong độ kém ổn định và một HLV khá bốc đồng, khả năng Argentina bị “sẩy” là rất dễ. Vì thế, đây có thể là một bảng dễ tạo bất ngờ nhất.

HẠNH MINH