Du khách đến thăm Khu di tích Tháp Bà Ponagar không chỉ được ngắm nhìn những ngôi tháp cổ - nét kiến trúc độc đáo của dân tộc Chăm, mà còn được thưởng thức những nét văn hóa Chăm độc đáo...
Du khách đến thăm Khu di tích (KDT) Tháp Bà Ponagar không chỉ được ngắm nhìn những ngôi tháp cổ - nét kiến trúc độc đáo của dân tộc Chăm, mà còn được thưởng thức những nét văn hóa Chăm độc đáo. Những vũ điệu nhịp nhàng của các thiếu nữ Chăm hòa cùng tiếng trống, tiếng kèn rộn rã… đã níu giữ bước chân biết bao du khách khi đến thăm những ngôi tháp cổ kính này.
Các thiếu nữ Chăm biểu diễn điệu múa truyền thống tại Khu di tích Tháp Bà Ponagar. |
Từ 2 năm nay, Trung tâm Quản lý Di tích - Danh lam thắng cảnh (QLDT-DLTC) Khánh Hòa đã mời đội văn nghệ truyền thống của đồng bào Chăm ở làng Mỹ Nghiệp (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) ra biểu diễn thường xuyên ở KDT Tháp Bà Ponagar. Sự xuất hiện của những nghệ nhân người Chăm không chỉ làm phong phú hơn dịch vụ du lịch nơi đây, mà còn góp phần quảng bá văn hóa truyền thống. Trò chuyện với người viết, ông Nguyễn Văn Thích - Phó Giám đốc Trung tâm QLDT-DLTC Khánh Hòa từng nói: “Người Chăm không chỉ tạo nên những đền tháp rất tuyệt vời, mà còn có cả một nền văn hóa hết sức độc đáo và có nhiều giá trị, biểu hiện qua âm nhạc truyền thống, nghệ thuật làm gốm và dệt thổ cẩm… Chúng tôi mời các nghệ nhân người Chăm về biểu diễn âm nhạc, trình diễn làm gốm… ở KDT Tháp Bà Ponagar để du khách hiểu thêm về văn hóa truyền thống của người Chăm, văn hóa truyền thống đất nước Việt Nam”.
Những ngày đầu Xuân 2010, du khách đến tham quan KDT Tháp Bà Ponagar rất đông. Mỗi khi có khách, các cô gái Chăm lại biểu diễn những điệu múa truyền thống của người Chăm như Apsara, múa quạt hay những bài múa dựa trên nền nhạc các ca khúc mang âm hưởng dân ca Chăm như Bến nước tình yêu, Tình làng gốm… Y Sa, thành viên của nhóm múa tâm sự: “Người Chăm rất say mê các vũ điệu. Thiếu nữ Chăm gần như ai cũng biết múa. Chúng em tập múa từ năm 12-13 tuổi…”. Y Sa cho biết, nhóm của cô múa được 12 điệu múa, mỗi ngày nhóm sẽ múa một số điệu để phục vụ du khách. Những vũ điệu quyến rũ của các thiếu nữ Chăm hòa cùng tiếng trống Ghinăng vui nhộn, tiếng kèn Saranai làm say lòng du khách. Không cưỡng lại được sự hấp dẫn của các điệu múa, nhiều du khách đã tranh thủ lấy máy ảnh để ghi lại những hình ảnh đẹp trong các điệu múa Chăm truyền thống, đặc biệt là những du khách nước ngoài. Anh Peter Osman (du khách người Anh) chia sẻ: “Tôi rất thích các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật ở đây. Các điệu múa, cùng những nhạc cụ do các nghệ nhân biểu diễn giúp tôi hiểu hơn về văn hóa truyền thống của dân tộc Chăm. Phần nào đó, tôi đã nhìn thấy sợi dây kết nối giữa những đền tháp linh thiêng với những vũ điệu quyến rũ đang được biểu diễn ở đây…”.
Biểu diễn nhạc cụ truyền thống của người Chăm ở Khu di tích Tháp Bà Ponagar. |
Không chỉ say sưa thưởng thức những vũ điệu Chăm, du khách đến thăm Tháp Bà Ponagar còn rất thích thú khi được xem nghệ nhân người Chăm dệt thổ cẩm và làm gốm. Những cô gái Chăm cặm cụi bên khung dệt để làm nên những tấm thổ cẩm với những hoa văn độc đáo. Từng công đoạn làm gốm Bàu Trúc (một làng gốm nổi tiếng ở Ninh Thuận) như nhào đất, nặn gốm, phơi… cũng được các nghệ nhân giới thiệu rất tỉ mỉ. Với nhiều nơi khác, làm gốm thường là công việc của đàn ông, thì với người dân làng Bàu Trúc, làm gốm gần như là “đặc quyền” của phụ nữ. Điều khiến nhiều du khách ngạc nhiên và thán phục là các nghệ nhân người Chăm làm gốm không cần bàn xoay, thay vào đó người làm xoay vòng để vuốt gốm, khi nung gốm họ cũng không cần lò nhưng vẫn cho ra những sản phẩm đẹp đến mê hồn. Chứng kiến nghệ thuật dệt thổ cẩm, làm gốm của các “nghệ sĩ dân gian”, nhiều du khách đã hào hứng mua các sản phẩm để làm kỷ niệm.
Văn hóa kết hợp với du lịch là một hướng đi đã được khẳng định. Sự xuất hiện của đội văn nghệ truyền thống của người Chăm, cùng các nghệ nhân làm gốm, dệt thổ cẩm ở Tháp Bà Ponagar góp phần làm phong phú hơn văn hóa Chăm tại KDT này. Tuy nhiên, Trung tâm QLDT-DLTC cần hỗ trợ nhiều hơn để đội văn nghệ Chăm có đầy đủ nhân sự, qua đó giới thiệu một cách đầy đặn hơn
về âm nhạc của đồng bào người Chăm. Hiện nay, đội văn nghệ Chăm có 8 người: 3 người chơi nhạc, 5 thiếu nữ múa. Ông Lộ Phú Bảo (60 tuổi), nghệ nhân thổi kèn Saranai cho biết, dàn nhạc truyền thống của người Chăm đầy đủ phải có 6 người chơi các nhạc cụ như: trống Paranưng, trống Ghinăng, kèn Saranai, chiêng… nhưng vì điều kiện kinh phí hạn chế (mỗi tháng, mỗi người được Trung tâm QLDT-DLTC hỗ trợ nơi ở và 400 ngàn đồng, còn lại phải sống nhờ tiền “bo” của khách) nên đội văn nghệ của ông chỉ có 3 người biểu diễn nhạc cụ Ghinăng và kèn Saranai. Đặc biệt, bên cạnh việc giới thiệu về các tháp, tín ngưỡng của đồng bào Chăm..., các hướng dẫn viên làm việc tại KDT cũng cần chú trọng đến việc giới thiệu văn hóa truyền thống của người Chăm bằng cách giới thiệu các nhạc cụ, làn điệu âm nhạc… mà các nghệ nhân đang biểu diễn. Hy vọng, rồi đây Trung tâm QLDT -DLTC sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc biểu diễn và giới thiệu những nét văn hóa Chăm truyền thống ở KDT Tháp Bà Ponagar, hướng bảo tồn văn hóa hữu hiệu nhất.
NHẬT LỆ