Cứ mỗi mùa xuân đến, khi chồi non lộc biếc hé nụ, lòng người rạo rực đón Tết, tôi lại nhớ đến những bài thơ Tết của nhà thơ Đoàn Văn Cừ. Thơ của thi sĩ họ Đoàn là bức tranh sinh động, thấm đẫm hương vị Tết với nhiều nét văn hóa độc đáo nay đã thành dĩ vãng.
Cứ mỗi mùa xuân đến, khi chồi non lộc biếc hé nụ, lòng người rạo rực đón Tết, tôi lại nhớ đến những bài thơ Tết của nhà thơ Đoàn Văn Cừ. Thơ của thi sĩ họ Đoàn là bức tranh sinh động, thấm đẫm hương vị Tết với nhiều nét văn hóa độc đáo nay đã thành dĩ vãng.
Chợ Tết |
Trong phong trào Thơ Mới, cùng với Nguyễn Bính, Anh Thơ, Bàng Bá Lân, nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã tạo nên dòng thơ đồng quê rất đằm thắm, trữ tình. Nếu như thơ Nguyễn Bính - người được mệnh danh là thi sĩ chân quê - nghiêng về tình quê, thì thơ của thi sĩ họ Đoàn lại nặng về cảnh quê, đặc biệt là cảnh Tết - hội Xuân. Thơ của Đoàn Văn Cừ trước năm 1945 mang đậm phong vị Tết, mà như Hoài Thanh - Hoài Chân nhận xét trong Thi nhân Việt Nam: “Nghĩ đến Đoàn Văn Cừ là tôi lại nghĩ đến Tết. Cái tên Đoàn Văn Cừ trong trí tôi đã lẫn với màu bánh chưng, mùi thuốc pháo, vị mứt gừng…”. “Chợ Tết” là bài thơ tiêu biểu cho nhận định này: “Dải mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi/Sương hồng lam ôm ấp nóc nhà tranh/Trên con đường viền trắng mép đồi xanh/Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết”. Sau khúc dạo đầu để tạo nên khuôn hình, nhà thơ bắt đầu đi vào miêu tả cận cảnh: “Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon/Vài cụ già chống gậy bước lom khom/Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ/Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ…”. Đọc những câu thơ đầy chất gợi hình ấy, hẳn ai cũng nhớ về tuổi thơ của mình. Mỗi năm, khi những ngọn gió heo may cuối đông tràn về, tôi lại háo hức chờ Tết để được theo mẹ ra chợ. Trong tâm hồn non nớt trẻ thơ của tôi lúc bấy giờ, chợ là một cái gì đó thật rộng lớn, đầy màu sắc thú vị. Mới đó mà đã xa như lâu lắm rồi, trẻ con bây giờ không còn háo hức đi chợ Tết nữa, bởi mọi thứ đã đủ đầy, đâu cần Tết mới có.
Những câu thơ tả thực của nhà thơ Đoàn Văn Cừ như những thước phim quay chậm ghi lại những nét đặc sắc của chợ Tết truyền thống. Ở đó vừa có những “góc máy toàn cảnh” phản ánh không khi vui tươi rộn rã, vừa có những “cú zoom cận cảnh” đặc tả những chi tiết độc đáo mà chỉ những người nhà quê, ăn đời ở kiếp ở quê mới “biết”: “Anh hàng tranh kĩu kịt đôi bồ/Tìm đến chỗ đông người ngồi giở bán/Một thầy khóa gò lưng trên cánh phản/Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm/Miệng nhẩm đọc vài hàng câu đối đỏ/Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ/Nước thời gian gội tóc trắng phau phau/Chú hoa man đầu chít chiếc khăn nâu/Ngồi xếp lại đống vàng trên mặt chiếu/Áo cụ lý bị người chen sân kéo/Khăn trên đầu đương chít bung ra/Lũ trẻ con mải ngắm bức tranh gà/Quên cả chị bên đường đang đứng gọi/Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi/Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa”. Bức tranh chợ Tết càng sinh động, vui tươi làm ta ngỡ như mình cũng đang đi xem chợ Tết mà như Hoài Thanh - Hoài Chân nói: “Những bức tranh thơ Đoàn Văn Cừ không phải chỉ đơn sơ vài nét như các bức tranh xưa của Á Đông. Bức tranh nào cũng đầy rẫy sự sống và rộn rịp những hình sắc tươi vui”. Sự sinh động không chỉ đến từ những câu thơ tài hoa, mà đôi khi đến từ những câu thơ rất ngộ nghĩnh: “Hai người thôn gánh lượn đi đầu/Con bò vàng ngộ nghĩnh đuổi theo sau”, hay “Người mua bán ra vào đầy cổng chợ/Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ/Để lắng nghe người khách nói bô bô”… Quả thực, Tết trong thơ Đoàn Văn Cừ là một thế giới sắc màu và rất sinh động, vui tươi. Chợ Tết bây giờ hàng hóa ê hề, nhưng dường như điều đó làm mất đi ấn tượng về thị giác, kiểu như Đoàn Văn Cừ vừa viết vừa xuýt xoa trước sức hút sắc màu, sự sung túc của chợ Tết: “Những mẹt cam đỏ chót tựa son pha/Thúng gạo nếp đong đầy như núi tuyết”. Có yêu nhà quê lắm mới có thể viết nên những câu thơ chân thực và đầy tình yêu mến như thế.
Tết và mùa xuân luôn gắn chặt với nhau. Bởi vậy, ngoài chợ Tết, nhà thơ Đoàn Văn Cừ đã khắc họa bức tranh xuân tràn đầy sức sống. Bức tranh ấy trước hết đến từ những bức tranh thiên nhiên rạo rực sức sống, kiểu như: “Sương trắng đỏ đầu cành như giọt sữa/Tia nắng tía nháy hoài trong ruộng lúa/Núi uốn mình trong chiếc áo the xanh/Đồi thoa son nằm dưới ánh bình minh”; “Ngày ửng hồng sau màn sương gấm mỏng/Nắng dát vàng trên bãi cỏ non xanh…”. Và sau bức tranh thiên nhiên ấy sẽ có những hội hè đình đám:
“Suốt ngày đêm chuông trống đánh vang rền/Người lớn, bé mê man về hát bội”. Với bài thơ “Đám hội”, hình ảnh Tết - hội Xuân hiện lên rõ mồn một với những trò chơi dân gian rất đặc trưng của thôn quê Bắc bộ như chơi tổ tôm, đánh đu, đấu vật…: “Các cụ già uống rượu mãi gần đêm/Tổ tôm điếm chơi đêm không biết chán/Những con bé áo xanh đòi chị ẵm/Để đi theo đám rước quanh làng”, “Đoàn trảI dài vùn vụt giữa sông/Người lố nhố chèo trên làn nước lạnh/Bọn đô vật trước đình thi sức mạnh/Mình cởi trần gân cốt nổi như lươn/Tiếng reo hò khuyến khích dậy từng cơn/Lấn tiếng trống bên đường khua rộn rã…”. Ngày nay, ở nhiều làng quê, hội làng đang được khôi phục, nhưng xem ra không còn phong vị độc đáo như xưa.
Tết bây giờ đã sung túc hơn, nhưng tiếc thay những nét văn hóa độc đáo được xem là “hồn dân tộc” như tranh Tết, thơ xuân, câu đối, hội xuân… ấy đã dần phai nhạt theo thời gian.
NHẬT LỆ