Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp Tết đến Xuân về, khắp phố phường lại rộn ràng, ngân vang những ca khúc về mùa xuân. Trong không khí đó, âm nhạc trở nên nồng nàn hơn để nói hộ cho những rung động dạt dào, tươi trẻ của đất trời và lòng người…
Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp Tết đến Xuân về, khắp phố phường lại rộn ràng, ngân vang những ca khúc về mùa xuân. Trong không khí đó, âm nhạc trở nên nồng nàn hơn để nói hộ cho những rung động dạt dào, tươi trẻ của đất trời và lòng người…
Tiết mục hát múa “Chúc Xuân” trong Chương trình văn nghệ Mừng Đảng - Mừng Xuân Canh Dần của Trung tâm Văn hóa tỉnh Khánh Hòa. |
Khi đất trời vào Xuân, những giai điệu về mùa xuân thường rộn rã với nhiều cung bậc. Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về/Mùa bình thường mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên, với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông, một chút nắng vui cho bao tâm hồn…, đó là lời bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao với những tiết tấu nhẹ nhàng, làm cho lòng người say đắm đón chào một mùa xuân mới, mùa xuân của đất trời tự do.
Nói đến nhạc xuân, xin được nhắc tới nhạc sĩ Phạm Đình Chương - người được khán thính giả biết đến với những ca khúc như: “Đón xuân”, “Ly rượu mừng”… Những tác phẩm của ông luôn phơi phới niềm hân hoan, dễ nghe, dễ hát, lời ca mang nội dung thích hợp với mọi tầng lớp thính giả. Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi/Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi/Người thương gia lợi tức/Người nông dân ấm no/Thoát ly đời gian lao nghèo khó… - đó là lời bài hát “Ly rượu mừng”. Nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã tạo nên một không khí rộn ràng, tươi mới bởi những lời chúc đầu Xuân.
Trong giới nghệ sĩ sáng tác nhạc, không ít người đã trở nên nổi tiếng nhờ những sáng tác viết về mùa xuân. Điển hình như “ông vua viết xuân ca” - nhạc sĩ Xuân Hồng. 3 ca khúc xuân rất đặc sắc của ông gồm: “Xuân chiến khu”, “Mùa xuân bên cửa sổ” và “Mùa xuân trên TP. Hồ Chí Minh” được công chúng yêu âm nhạc khắp cả nước khắc sâu trong ký ức. Có những nhạc sĩ còn viết nhiều bài hát gắn với những thời điểm lịch sử khác nhau của đất nước như Trần Hoàn với “Tiếng chim mùa xuân”, “Tình ca mùa xuân”, “Một mùa xuân nho nhỏ”, “Hát về mùa xuân”, “Em nghĩ gì khi mùa xuân đến”, “Đi giữa mùa xuân”… Tuy mỗi ca khúc, mỗi nhạc sĩ đều chọn một cách đi riêng để mang hơi thở mùa xuân vào lòng người nghe, nhưng những khúc ca xuân của họ đã lưu lại và sống mãi cùng đất trời và lòng người.
Trên thị trường băng đĩa nhạc Tết những năm gần đây xuất hiện khá nhiều sáng tác mới viết về chủ đề mùa xuân của các nhạc sĩ trẻ như: “Mưa xuân” (Đức Trịnh), “Phút giao thừa lặng lẽ” (Anh Quân), “Tình em mùa xuân” (Trường Huy), “Giai điệu mùa xuân” (Tuấn Nghĩa), “Dáng xuân” (Minh Châu)… Tuy nhiên, số bài hát có khả năng sống cùng năm tháng không nhiều. Những bài hát cũ về mùa xuân được nghe lại vẫn có sức hút mạnh mẽ hơn hẳn những sáng tác mới. Một số thính giả khó tính tâm sự: Những ca khúc xuân cũ như: “Mùa xuân đầu tiên”, “Mùa xuân nho nhỏ”, “Xuân chiến khu”… mang lại nhiều cảm xúc hơn. Chính sức sống qua bao năm tháng của những ca khúc cũ này đã chứng minh được sự tài hoa trong sáng tác của các nhạc sĩ thế hệ trước.
Một mùa xuân mới đang tới, sắc xuân đã rực rỡ trên những phố phường, lòng người tràn ngập niềm vui sướng trong sự thanh bình. Lắng lại bên chén rượu ấm, trà ngon, bồi hồi nghe những khúc ca mùa xuân rộn rã để thấy tâm hồn được bay bổng, để thấy lòng đầy viên mãn cùng mùa xuân trẻ mãi không già.
PHÚ VINH