Trong khi các môn thể thao khác như bóng đá, điền kinh… gặt hái được nhiều thành công ở các giải đấu trong nước, thì boxing (quyền anh) Khánh Hòa (KH) vẫn đang trên con đường tìm kiếm ánh hào quang.
Trong khi các môn thể thao khác như bóng đá, điền kinh… gặt hái được nhiều thành công ở các giải đấu trong nước, thì boxing (quyền anh) Khánh Hòa (KH) vẫn đang trên con đường tìm kiếm ánh hào quang. Để có thể đạt thành tích tốt ở các giải đấu, ngoài sự nỗ lực của huấn luyện viên (HLV) và vận động viên (VĐV), boxing KH rất cần sự quan tâm của các nhà lãnh đạo thể thao trong bối cảnh thiếu cơ sở vật chất và dụng cụ, thiết bị tập luyện đạt tiêu chuẩn.
Năm 2002, bộ môn boxing chịu sự quản lý của Sở Thể dục Thể thao; đến năm 2007, Sở chuyển giao cho Trung tâm Huấn luyện kỹ thuật thể thao chịu trách nhiệm huấn luyện. Từ đó đến nay, tuy đã có nhiều cố gắng, nhưng ở các giải đấu quốc gia, boxing KH vẫn chưa gặt hái được thành công như mong đợi của Ban huấn luyện. Năm 2007, ở giải trẻ toàn quốc tổ chức tại Quảng Ngãi, boxing KH đã giành 1 Huy chương Bạc (HCB) của Nguyễn Văn Huy và 2 Huy chương Đồng (HCĐ) của Nguyễn Quốc Tuấn, Hoàng Đức Thắng. Với mục tiêu giành HC Vàng, năm 2008, đội tuyển boxing tỉnh đã cố gắng tập luyện, nhưng một lần nữa “giấc mơ vàng” lại tuột khỏi tầm tay khi tại giải trẻ toàn quốc tổ chức ở Hà Tây, thành tích mà boxing KH đạt được vẫn là “cú đúp” HCĐ, HCB. Đến năm 2009, tại giải trẻ toàn quốc tổ chức ở Quảng Ngãi, VĐV Nguyễn Quốc Tuấn mới làm nên “kỳ tích” khi là người đầu tiên giành chiếc HC Vàng, đánh dấu “cột mốc” đáng nhớ cho boxing KH ở đấu trường trong nước; VĐV Trần Hồng Phương giành HCB. Cũng trong năm này, tại giải vô địch toàn quốc tổ chức ở Nghệ An, đoàn boxing KH đã giành 1 HCB cùng 1 danh hiệu kiện tướng. Tuy nhiên, nếu so sánh với các bộ môn như: Karatedo, điền kinh… thì các VĐV boxing còn phải phấn đấu nhiều hơn. Hiện nay, đội tuyển boxing của tỉnh vẫn lên lịch tập luyện đều đặn (buổi sáng từ 8 - 10 giờ, chiều từ 14 - 16 giờ). Vào những ngày cận kề các giải đấu, cường độ và thời gian tập luyện của các VĐV được tăng lên nhiều.
Đội tuyển boxing tỉnh đang tập luyện. |
Điều đáng quan tâm hiện nay là bên cạnh sự nỗ lực của các HLV, VĐV, bộ môn boxing rất cần được quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện. Hiện cơ sở vật chất và trang thiết bị tập luyện của bộ môn này còn thiếu và chưa đáp ứng được mục tiêu tập luyện cho thành tích cao. Việc thiếu sân đài, bàn đấm bốc tròn, bàn đấm vuông… khiến việc tập luyện của VĐV gặp nhiều khó khăn. Không những thế, phòng tập của môn boxing còn thiếu cả bóng cà na và găng mũi tập luyện… Cả đội tuyển boxing với 9 VĐV nhưng chỉ có 3 - 4 đôi găng tay tập luyện đạt tiêu chuẩn. Vì vậy, để gặt hái thành công và trở thành đối trọng với các đơn vị mạnh về bộ môn boxing như: Đắc Lắc, Quân đội, Hà Nội, Nghệ An, Hải Phòng… việc đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị tập luyện hiện đại là một điều cần thiết đối với bộ môn này. Hiện đội tuyển boxing KH có những gương mặt rất “sáng giá” như: Trần Hùng Phương, Trần Anh Dũng… Những VĐV này còn rất trẻ, lại được thi đấu, cọ xát qua nhiều giải đấu. Nếu có một chế độ tập luyện khoa học và trang thiết bị tập luyện đầy đủ, các VĐV này sẽ có cơ hội tỏa sáng.
Anh Huỳnh Tấn Cường, HLV bộ môn boxing của tỉnh cho biết: “Để boxing KH có thể đạt được thành tích cao hơn, bên cạnh sự nỗ lực tập luyện của chúng tôi, việc đầu tư trang thiết bị tập luyện ngày càng hiện đại là một việc làm cần thiết. Trước mắt, trong năm 2010, boxing KH tiếp tục thử sức ở 3 giải đấu: Cúp câu lạc bộ boxing toàn quốc, giải boxing trẻ toàn quốc và Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc (dự kiến sẽ được tổ chức ở Đắc Lắc). Để gặt hái được vinh quang, boxing KH còn nhiều việc phải làm và cần có thời gian”.
ĐINH TIẾN GIANG