10:01, 18/01/2010

Chờ những cuộc bứt phá

Kết thúc mùa giải 2009, thống trị làng banh nỉ thế giới vẫn là những “quyền lực” cũ. Chính vì thế, bước vào mùa giải 2010, người hâm mộ thế giới luôn kỳ vọng sẽ có những “quyền lực” mới thay thế cho sự thống trị cũ. Và điều đó là có cơ sở sau những gì đã diễn ra ở các giải khởi động trước thềm giải Úc mở rộng.

Kết thúc mùa giải 2009, thống trị làng banh nỉ thế giới vẫn là những “quyền lực” cũ. Chính vì thế, bước vào mùa giải 2010, người hâm mộ thế giới luôn kỳ vọng sẽ có những “quyền lực” mới thay thế cho sự thống trị cũ. Và điều đó là có cơ sở sau những gì đã diễn ra ở các giải khởi động trước thềm giải Úc mở rộng.

 

Ferrer thêm một lần bị đồng hương Nadal (trái) khuất phục.
 

Mùa giải 2009, không có kỳ tích nào được lặp lại như tay vợt trẻ Nadal từng làm năm 2008, đó là lật đổ ngôi vương của Federer. Sau 50 tuần thống trị, sự sa sút phong độ cùng với chấn thương kéo dài của Nadal đã tạo cơ hội cho “tàu tốc hành” tái chiếm ngôi vị số 1 thế giới. Dẫu chưa có tay vợt nào đủ tầm để làm nên điều gì lớn lao, nhưng cuối mùa giải 2009 cũng như đầu năm 2010 đã cho thấy sự trưởng thành vượt bậc và thi đấu rất lên tay của các tay vợt trẻ, trong đó có cả những cú bứt phá ngoạn mục. Điều đó khiến người hâm mộ làng banh nỉ tin tưởng sẽ có một sự bất ngờ tại giải Grand Slam đầu tiên trong năm 2010 – giải Úc mở rộng, diễn ra từ ngày 18 đến 31-1.

Thực tế cho thấy tài năng là không thiếu, chỉ có điều là khi nào các tay vợt trẻ sẽ lên tiếng và ai sẽ là người mở đường. Rafael Nadal ư? Rất có thể, bởi đơn giản anh là nhà đương kim vô địch và là người đã khiến Roger Federer phải rơi nước mắt tại chung kết giải Úc mở rộng năm ngoái. Dẫu đó là dấu ấn duy nhất của Nadal trong một mùa giải thất bát cùng với những chấn thương dai dẳng, song người hâm mộ cũng không quá lo lắng khi Nadal đang có dấu hiệu hồi sinh trở lại. Sau 4 trận thua liên tiếp cuối năm 2009, Nadal đã “giải hạn” đầu năm bằng chức vô địch Capitala Championship và á quân ở Qatar mở rộng. Những chiến thắng này có ý nghĩa tinh thần rất lớn đối với Nadal. Quan trọng hơn là anh đã tìm lại được sự tự tin cần thiết cho mình, và khi đã có được sự tự tin, “bò tót” sẽ luôn là một đối thủ rất đáng gờm đối với bất kỳ tay vợt nào.

Nhưng không phải Nadal mà Nikolay Davydenko mới là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian gần đây. Kể từ giải ATP World Tour Finals cuối năm 2009 cho đến Qatar mở rộng đầu năm 2010, tay vợt người Nga cứ lạnh lùng hạ đo ván lần lượt từng đối thủ để liên tiếp bước lên bục vinh quang. Davydenko đang có chuỗi 9 trận thắng liên tiếp kể từ tháng 11-2009. Trong số các bại tướng của anh có nhà đương kim vô địch giải Mỹ mở rộng Del Potro, Soderling, đặc biệt là 2 lần đánh bại Federer và 2 lần đánh bại Nadal. Điều đáng nói chính là cái cách mà Davydenko đã thể hiện ở các trận đấu lớn, nhất là đánh bại Nadal ở trận chung kết Qatar mở rộng - một chiến thắng được giới chuyên môn đánh giá là “không thể tin được”. Bị thua trắng ở sét đầu tiên, nhưng Davydenko đã lội ngược dòng ngoạn mục để vượt qua một Nadal đang trên đà trở lại phong độ. Quả thật, đánh bại cả tay vợt số 1 và 2 thế giới trong cùng 1 giải đấu là điều không phải tay vợt nào cũng làm được. Và vì vậy, lúc này tay vợt người Nga mới chính là tay vợt đáng sợ nhất.

Djokovic - nhà vô địch Úc mở rộng năm 2008 cũng là cái tên sáng giá tại giải năm nay. Anh chính là tay vợt có phong độ ổn định nhất trong top 4 tay vợt xuất sắc nhất thế giới, với kỹ năng thi đấu ngày càng hoàn thiện. Hạt giống số 5 Andy Murray cũng không thể xem thường khi cả 2 huyền thoại quần vợt Mỹ là Peter Sampras và Andre Agassi đều cho rằng Murray mới là tay vợt sẽ làm nên điều bất ngờ trong năm 2010. Mùa giải trước, đã có lúc Murray vượt mặt Nadal để leo lên vị trí số 2 thế giới, nhưng sự thiếu tự tin khiến anh luôn để lỡ cơ hội giành các danh hiệu lớn. Chỉ cần có thêm chút tự tin, Murray hoàn toàn có thể chinh phục đỉnh cao. Ngoài ra, người hâm mộ không thể không nhắc tới Del Potro và Soderling - những “chú ngựa ô” luôn tạo nên bất ngờ và có khả năng làm đảo lộn trật tự quần vợt thế giới. 

Nói như thế để cho thấy, không chỉ ở giải Úc mở rộng, mà năm 2010 sẽ là một mùa giải khó khăn cho Roger Federer nếu anh muốn tại vị lâu hơn ngôi vị số 1 thế giới cũng như viết tiếp trang sử Grand Slam cho riêng mình. Bởi trong khi các tay vợt trẻ trưởng thành nhanh chóng thì Federer đang có dấu hiệu chững lại. Sau thất bại trước Davydenko tại bán kết ATP World Tour Finals cuối năm 2009, “tàu tốc hành” khởi đầu mùa giải 2010 không mấy suôn sẻ khi liên tục để thua các tay vợt trẻ như Robin Soderling (tại giải giao hữu ở UAE) và Davydenko (Qatar mở rộng). Rõ ràng Federer không còn ở thời kỳ đỉnh cao phong độ, hoặc là sức mạnh của anh đã bị các đối thủ hóa giải. Ở ngưỡng tuổi 30, vấn đề thể lực là điều mà người ta nghi ngại cho phong độ của tay vợt người Thụy Sĩ. Có lẽ Federer cũng nhận thấy điều đó, bằng chứng là anh đã quyết định không tham giải Kooyong Classic để tích lũy thể lực cho sân chơi quan trọng này. Hẳn nhiên, không thể dựa vào sự khởi đầu không suôn sẻ này mà cho rằng Federer đã hết thời, bởi mùa giải chỉ mới bắt đầu và vẫn còn nguyên 4 giải Grand Slam danh giá. Năm ngoái, Federer cũng từng khởi đầu mùa giải không tốt nhưng anh đã bứt phá ngoạn mục để kết thúc năm với 2 danh hiệu Grand Slam và ngôi vị số 1 thế giới. Điều này cho thấy, anh luôn biết cách chứng tỏ bản lĩnh và tinh thần thi đấu của mình ở những thời điểm quyết định. Mới đây, anh đã mạnh miệng tuyên bố năm 2010 sẽ là mùa giải bất bại của anh. Có lẽ ở giai đoạn cuối của sự nghiệp, Federer muốn làm cú bứt phá cuối cùng. Và muốn vậy, trước tiên anh cần chinh phục “ải” Úc mở rộng - nơi anh đã từng rơi giọt nước mắt đàn ông sau trận chung kết mùa giải năm ngoái.

B.T