02:01, 04/01/2010

Mang niềm vui đến với khán giả “nhí”

“Bạch Tuyết ơi, đừng ăn quả táo, nó có độc”. “Đừng nghe lời, bà ta là phù thủy đấy, không phải người bán hàng đâu’’. “A! Nàng Bạch Tuyết được hoàng tử cứu sống rồi”…

“Bạch Tuyết ơi, đừng ăn quả táo, nó có độc”. “Đừng nghe lời, bà ta là phù thủy đấy, không phải người bán hàng đâu’’. “A! Nàng Bạch Tuyết được hoàng tử cứu sống rồi”… tiếng can ngăn, tiếng reo hò hạnh phúc của hàng trăm khán giả “nhí” hòa theo diễn biến của câu chuyện trong vở rối “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn” do đội múa rối Tuổi Ngọc biểu diễn làm cho khán phòng Nhà Thiếu nhi tỉnh như vỡ tung. Đây là một trong nhiều vở rối kể về những câu chuyện cổ tích, chuyện thần tiên mà đội múa rối Tuổi Ngọc (Nhà Thiếu nhi tỉnh) đem đến cho khán giả “nhí” của tỉnh hơn chục năm qua.

Mệt nhưng vui, đó là tâm trạng chung của 40 thành viên trong đội sau mỗi suất diễn. Bá Luân - thành viên nhóm rối - cho biết: “Đội con rối trên người, phải diễn dưới ánh đèn của sân khấu gần một tiếng đồng hồ, vừa nóng lại vừa mệt. Nhưng mỗi khi diễn xong, thấy các em nhỏ háo hức xem, thể hiện tình cảm yêu, ghét đối với những cái tốt, cái xấu theo diễn biến của vở rối, bao nhiêu mệt nhọc trong mình tan biến”. Cùng tâm trạng với Luân, Kim Dung - thành viên gắn bó khá lâu với đội, kể: “Em vào đội gần 4 năm, lúc đầu chỉ định vào đội cho vui nhưng khi tham gia diễn vài vở, em bắt đầu ghiền và thích luôn. Diễn cho thiếu nhi khó và áp lực lắm, lơ mơ là các em “xù” liền”. Ngoài vở “Bạch Tuyết và bảy chú lùn”, năm qua đội còn biểu diễn hàng chục vở như: “Cô gái rừng xanh”, “Huyền thoại mặt trăng”, “Ăn khế trả vàng”, “Công chúa ngủ trong rừng”… Những câu chuyện đầy tính giáo dục, nhân văn đã thu hút hàng trăm học sinh từ mầm non đến cấp tiểu học đến xem.

Đội múa rối Tuổi Ngọc đang biểu diễn vở “Huyền thoại nữ thần mặt trăng”.

Nói đến đội múa rối Tuổi Ngọc không thể không nhắc tới Thành “cao”, biệt hiệu mà bạn bè đặt cho anh Thái Quang Thành - Chủ nhiệm Trung tâm Nghệ thuật múa rối Tuổi Ngọc, người gắn bó với đội múa rối từ khi thành lập đến nay. Tham gia hoạt động ở Nhà Thiếu nhi tỉnh 17 năm thì hết 15 năm anh dành cho múa rối. Anh kể, đội múa rối được thành lập năm 1994 với tên gọi đầu tiên là Câu lạc bộ (CLB) múa rối Thằng Bờm gồm 20 thành viên đều là “dân nghiệp dư”. Năm đó, anh được Nhà Thiếu nhi mời làm cộng tác viên, chủ nhiệm CLB. Lúc bấy giờ, loại hình CLB biểu diễn chỉ có rối tay và rối que nên thời gian đầu biểu diễn không thu hút được khán giả. Không đành lòng ngồi nhìn đội rối “chết non”, được sự hỗ trợ của Nhà Thiếu nhi, anh khăn gói vào TP. Hồ Chí Minh “tầm sư học đạo”. Trong 2 năm, anh học thêm được mô hình múa rối lùn và múa rối đen. Năm 1996, trong vở tạp kỹ rối do anh biên soạn, anh mạnh dạn áp dụng thử 1-2 tiết mục rối lùn vào vở diễn của mình. “Lần đó thấy các em nhỏ háo hức xem rối lùn, buồn, vui cùng với nhân vật, tôi mừng không kể xiết và biết mình đã thành công” anh nói. Thành công bước đầu đã giúp anh mạnh dạn hơn trong việc phát triển nghệ thuật múa rối lùn. Rồi khó khăn xuất hiện khi kinh phí dàn dựng cho một vở rối lùn rất cao vì tốn trang phục, đạo cụ, trong khi vé phải bán với giá rẻ. Để đủ “sở hụi”, anh vừa phối hợp với các trường học vừa bao sân từ A đến Z, từ khâu viết kịch bản, đến dàn dựng sân khấu, tập dợt cho diễn viên, kiêm luôn MC… Nhờ thế, mỗi vở công diễn, trừ hết chi phí, đội rối do anh phụ trách cũng dư dả chút ít để bồi dưỡng cho diễn viên. Cực nhọc là vậy nhưng khi hỏi có ý định bỏ nghề không thì anh cười: “Nó ăn vào máu rồi, không bỏ được. Với lại sân chơi dành cho thiếu nhi của tỉnh rất ít, mình bỏ nghề thì tội các em. Tôi đang có ý định phát triển đội rối mạnh hơn, có thể thành lập thêm đội kịch nói. Nhưng khó khăn hiện nay là kinh phí vì khi phát triển mạnh phải có sân khấu riêng”.

Tiếng lành đồn xa, đội múa rối Tuổi Ngọc hiện khá “đắt hàng”, nhất là vào những dịp lễ, Tết.  Cùng với các sân chơi khác của Nhà Thiếu nhi, đội múa rối Tuổi Ngọc đã đem đến cho các em nhỏ những câu chuyện lung linh sắc màu đầy tính nhân văn, qua đó giáo dục các em những điều hay lẽ phải cũng như đề kháng với cái xấu.

BÁ NGHĨA