09:01, 03/01/2010

Mở ra nhiều kiến giải mới về văn hóa tiền sơ sử ở Khánh Hòa

Từ tháng 7 đến 11-2009, Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật Di chỉ Vĩnh Yên (Vạn Thạnh, Vạn Ninh). Đợt khai quật đã thu được hàng ngàn hiện vật quý,...

Từ tháng 7 đến 11-2009, Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa phối hợp với Viện Khảo cổ học (KCH) khai quật Di chỉ Vĩnh Yên (Vạn Thạnh, Vạn Ninh). Đợt khai quật đã thu được hàng ngàn hiện vật quý, đem lại nhiều kiến giải mới về quá trình phát triển văn hóa tiền sơ sử ở Khánh Hòa và khu vực Nam Trung bộ, đồng thời đặt ra những hướng nghiên cứu mới cho các nhà KCH.

Một số hiện vật được tìm thấy ở di chỉ Vĩnh Yên.

Một sự kiện ý nghĩa

Di chỉ Vĩnh Yên được Viện KCH và Bảo tàng Khánh Hòa phát hiện vào tháng 7-2006. Tháng 7-2008, Bảo tàng Khánh Hòa phối hợp với Viện KCH tiến hành khai quật Di chỉ Vĩnh Yên lần thứ nhất với diện tích 50m2. Kết quả khai quật đã ghi nhận vai trò và vị trí quan trọng của Di chỉ Vĩnh Yên trong công tác nghiên cứu về giai đoạn tiền sơ sử Khánh Hòa và khu vực Nam Trung bộ. Do Di chỉ nằm trong khu vực dự án xây dựng khu tái định cư Vĩnh Yên (di dời dân thôn Đầm Môn) để thực hiện dự án Cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong nên di tích có nguy cơ bị xóa sổ. Trước tình hình đó, Viện KCH và Bảo tàng Khánh Hòa  đã đề xuất với tỉnh 2 phương án: Khoanh vùng bảo vệ Di chỉ Vĩnh Yên để nghiên cứu lâu dài hoặc khai quật toàn bộ di chỉ nhằm giải phóng toàn bộ mặt bằng xây dựng cho dự án tái định cư Vĩnh Yên. Trong đó, phương án khai quật toàn bộ di chỉ là phương án khả thi nhất, đáp ứng hài hòa giữa nhiệm vụ gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc và nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sau khi nghe báo cáo tình hình, UBND tỉnh đã cho phép Bảo tàng Khánh Hòa lập dự án khai quật Di chỉ Vĩnh Yên. Sau các thủ tục cần thiết, từ tháng 7 đến 9-2009, Bảo tàng Khánh Hòa và Viện KCH đã tiến hành khai quật Di chỉ Vĩnh Yên với diện tích 2.000m2.Trong quá  trình khai quật, nhận thấy diện tích Di chỉ Vĩnh Yên còn nguyên vẹn khoảng 2.200m2 (ước tính di chỉ rộng 10.000m2 nhưng phần lớn đã bị người dân dùng làm nghĩa địa) nên Bảo tàng Khánh Hòa đã đề nghị với UBND tỉnh và Sở Kế hoạch - Đầu tư cho phép tiếp tục mở rộng khai quật thêm 200m2 và đã được đồng ý.

Có thể nói, việc khai quật Di chỉ Vĩnh Yên có ý nghĩa quan trọng đối với việc nghiên cứu tiền sơ sử của Khánh Hòa và Nam Trung bộ. Phát biểu tại buổi báo cáo kết quả khai quật Di chỉ Vĩnh Yên, ông Tống Trung Tính - Viện trưởng Viện KCH cho biết: “Việc khai quật Di chỉ Vĩnh Yên có thể coi là sự kiện KCH của năm 2009. Đây là lần đầu tiên ở miền Trung (không tính Tây Nguyên) có một di chỉ KCH được khai quật gần như nguyên vẹn. Đó là một điều rất có ý nghĩa, thể hiện sự coi trọng văn hóa của lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa”.

… Đem lại nhiều kiến giải mới

Quá trình khai quật cho thấy, địa tầng Di chỉ Vĩnh Yên nhìn chung khá đồng đều, tầng văn hóa hình thành trên đất cát biển mịn và thuần, chỗ dày nhất phân bố ở trung tâm di chỉ khoảng 140cm. Đợt khai quật Di chỉ Vĩnh Yên lần này đã làm phát lộ nhiều di tích mộ táng (6 mộ nồi vò và 17 mộ huyệt đất) và các cụm phế tích sinh hoạt như dải gốm, cụm gốm đá, cụm đá... Bên cạnh đó, đoàn khai quật đã thu được hơn 2.000 hiện vật đá thuộc các nhóm công cụ lao động (rìu bôn đuôi nhọn, rìu tứ giác, hòn nghiền - hòn ghè, bàn mài, cưa đá), đồ trang sức, phác vật - phế vật; ngoài ra còn có các hiện vật là đồ đồng và sắt, đồ gốm (nồi vò, bát bồng…), xương và vỏ nhuyễn thể. Đáng chú ý, trong số các đồ trang sức bằng đá có nhóm chuỗi hạt hình trụ được làm từ đá bán quý với kỹ thuật khoan và cưa cắt rất cẩn thận, bên cạnh đó là các hiện vật mang dáng dấp hình linga bằng thạch anh. Điều đó cho thấy, cư dân Vĩnh Yên cổ có đời sống tinh thần phong phú, biết cách làm đẹp cơ thể của mình.

Qua nghiên cứu sơ bộ, đoàn khảo cổ kết luận: Vĩnh Yên là một di chỉ cư trú - mộ táng có niên đại cách đây 2.500 - 2.000 năm. Ở làng cổ Vĩnh Yên đã xuất hiện nghề thủ công chế tác đồ đá, đúc kim loại và làm đồ gốm. Nghề gốm ở đây có sự phát triển khá cao nhưng chỉ mới xuất hiện ở dạng sản xuất quy mô nhỏ, chưa đạt đến mức công xưởng tập trung. Một điều khá thú vị, tuy sống ven biển nhưng cư dân của làng cổ Vĩnh Yên lại không phát triển về ngư nghiệp, họ sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp.

Mộ táng được khai quật ở di chỉ Vĩnh Yên.

Với việc Di chỉ Vĩnh Yên có nhiều di tích, di vật khá tương đồng với những di tích, di vật đã được khai quật, nghiên cứu ở các di chỉ thuộc văn hóa Xóm Cồn (Xóm Cồn, Văn Tứ Đông, Bình Ba, Bích Đầm…), đồng thời cũng xuất hiện những yếu tố văn hóa đã thấy ở Hòa Diêm, các nhà nghiên cứu nhận định, Vĩnh Yên chính là cầu nối của tuyến phát triển từ văn hóa Xóm Cồn đến Hòa Diêm. Tiến sĩ Trần Quý Thịnh - Trưởng đoàn khai quật Di chỉ Vĩnh Yên cho biết: “Trước đây, các nhà nghiên cứu đã đưa ra hướng phát triển từ Xóm Cồn đến Hòa Diêm, tuy nhiên giữa 2 nền văn hóa này có khoảng cách niên đại khá xa, dấu hiệu phát triển trực tiếp khá mờ nhạt nên vẫn còn những ý kiến nghi ngại. Với những hiện vật thu được ở đợt khai quật lần này, Di chỉ Vĩnh Yên là chiếc cầu nối giữa văn hóa Xóm Cồn và Hòa Diêm, góp phần làm sáng tỏ hơn sự phát triển trong giai đoạn tiền sơ sử của khu vực và Nam Trung bộ”.

Hiện vật khảo cổ ở Vĩnh Yên cũng cho thấy nhiều vấn đề thú vị khác như: người cổ Vĩnh Yên không chỉ sống đóng kín ở vùng bán đảo cực Đông của Tổ quốc mà đã có mối giao lưu văn hóa, giao lưu kỹ thuật với các nền văn hóa vùng hạ lưu sông Mê Kông, sông Đồng Nai (thể hiện ở cách tạo khuôn đúc đồng), với các nền văn hóa vùng Phú  Yên, Quảng Ngãi, Bình Định (mô típ hoa văn đặc trưng ở đồ gốm). Ngoài ra, với một số đặc trưng về đồ gốm, khuôn đúc đồng và linga thạch anh, các nhà nghiên cứu đặt ra vấn đề: nhiều khả năng ở giai đoạn cuối (muộn), cư dân Vĩnh Yên đã có sự giao lưu, trao đổi với một số vùng của Thái Lan, Vân Nam - Trung Quốc, Ấn Độ…

Đá thạch anh mang hình linga.

Tóm lại, với những di chỉ như Xóm Cồn, Văn Tứ Đông, Vĩnh Yên, Hòa Diêm… tuyến phát triển của văn hóa tiền sơ sử ở Khánh Hòa đã hiện ra đầy đủ, hầu như không thiếu một mắt xích nào. Tuy nhiên, để có thể đưa ra những phân tích, lý giải đúng đắn, rất cần có sự nghiên cứu sâu hơn, nhất là ở những giả thuyết về giao lưu văn hóa với các vùng đất xa xôi đã nói ở trên.

XUÂN THÀNH