08:01, 04/01/2010

Khúc hát về những người anh hùng

Vào những ngày cuối năm 2009, anh chị em làm công tác văn học nghệ thuật ở Khánh Hòa đã ghi nhận thêm một thành công mới của nhà văn lão thành Cao Linh Quân với tập truyện ký khá đầy đặn do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản và phát hành, với tên gọi Dấu người năm tháng.

 

Vào những ngày cuối năm 2009, anh chị em làm công tác văn học nghệ thuật ở Khánh Hòa đã ghi nhận thêm một thành công mới của nhà văn lão thành Cao Linh Quân với tập truyện ký khá đầy đặn do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân xuất bản và phát hành, với tên gọi Dấu người năm tháng.  

 

Với 18 truyện ký và bút ký, có thể nói Dấu người năm tháng là tác phẩm giàu chất văn học, thể hiện sự lao động bền bỉ và nghiêm túc của một người cầm bút trong hoàn cảnh đầy ắp những chi phối của cuộc sống thị trường hiện nay. Đặc biệt, Dấu người năm tháng là một trong số ít tác phẩm được thể hiện qua thể loại ký và nội dung hầu hết gắn liền với những câu chuyện về tấm gương bất khuất của các thế hệ cha anh trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm tại vùng đất Khánh Hòa nói riêng, cả nước nói chung.

Cùng với tác phẩm Ông Hoàng đen viết về Bửu Đóa - Anh hùng Lực lượng vũ trang vào những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp với nhiều chiến công vang dội, cả đến lúc hy sinh cũng làm cho kẻ thù phải khiếp sợ - người đọc bắt gặp trong cuốn sách này rất nhiều nhân vật luôn thể hiện lòng kiên trung, bất khuất, suốt đời hết lòng vì nước, vì dân. Đó là cô gái mang tên Nguyễn Thị Loan, một cộng sản “nòi”, một mình một súng đánh tới cùng chứ nhất định không đầu hàng giặc, được thể hiện trong truyện ký Xanh trong mùa Thu. Đó là Nguyễn Khắc Diện trong bút ký Tuổi thơ thù hận và khẩu súng AK - một chàng trai xứ Huế lưu lạc vào Khánh Hòa khi còn thơ ấu và đã trở thành chiến sĩ an ninh gan góc, dũng cảm mưu lược, liên tiếp gặt hái nhiều chiến công trong những năm đánh Mỹ. Đó là những người mẹ hiền dịu, bao dung và có tấm lòng hy sinh cao cả vì sự nghiệp cách mạng như mẹ Nổi trong bút ký Dấu người năm tháng, mẹ Bùi Thị Mâu trong bút ký Cổ tích về cái cây sinh đôi được một quả. Đó là những người con của dân tộc Rắc-lây ở Khánh Sơn, dù khó khăn, gian khổ vẫn một lòng theo Đảng cho đến ngày đất nước toàn thắng trong bút ký Già làng Rắc-lây ở Khánh Sơn…

Trong Dấu người năm tháng, nhà văn Cao Linh Quân cũng đề cập về sự đổi thay, phát triển của đất nước trong những năm gần đây ở vài bút ký, tuy nhiên, hướng về truyền thống, viết về những người anh hùng vẫn là đề tài chủ đạo xuyên suốt cuốn sách. Đối với nhà văn, để viết được một tác phẩm ở thể ký có sức hấp dẫn người đọc, dù là truyện ký hay bút ký, quả là điều không dễ dàng, vì chất liệu chính của tác phẩm đòi hỏi phải là chất liệu có thật trong cuộc sống, không chút hư cấu. 18 truyện ký, bút ký trong Dấu người năm tháng của nhà văn Cao Linh Quân đã vượt qua được cái điều không dễ dàng ấy. Đọc xong một tác phẩm ký của ông, người đọc có cảm giác như vừa xem một bức tranh đa màu, đa chiều, đầy cảm xúc. Với giọng văn hóm hỉnh, cô đọng, không những biết chọn lựa các chi tiết sống động, có giá trị để đưa vào tác phẩm, mà ở tất cả các truyện ký, bút ký in trong cuốn sách, nhà văn đã kết hợp hài hòa giữa các yếu tố lãng mạn, trữ tình với yếu tố miêu tả hiện thực, tường thuật sự kiện đầy chất “truyện”, nhờ đó luôn tạo ấn tượng khá mạnh với người đọc.

Một túp lều tranh nhỏ trong vườn vắng. Một người đàn bà nằm trên chiếc giường tre xiêu vẹo. Đói. Khát. Bệnh tật. Ngoài thềm trăng mù. Gió lạnh. Một chiếc lá rụng. Mắt từ từ khép lại. Người đàn bà trút hơi thở cuối cùng. Một con người mới trọn nửa kiếp đã vội vã ra đi… Câu chuyện này xảy ra cách đây 44 năm tại xã Vĩnh Hiệp (xưa là Vĩnh Châu), ở ngoại thành Nha Trang. Người đàn bà ấy tên là Dương Thị Láy, có chồng và mấy con đều là liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp… Đó là đoạn mở đầu trong truyện ký Ngôi nhà nhỏ thương yêu, kể về tấm gương của một Mẹ Việt Nam Anh hùng. Những đoạn văn như thế, giọng văn như thế đã bàng bạc, trải dài trong cuốn sách mới xuất bản của nhà văn Cao Linh Quân. Đó cũng là lý do vì sao viết về người thật, việc thật trong cuộc sống mà tập truyện ký Dấu người năm tháng đã tạo được sự cuốn hút đối với người đọc.

Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Cao Linh Quân đã có nhiều tiểu thuyết, tập truyện ngắn được xuất bản và ông đã giành nhiều giải thưởng văn học trong nước. Thành công của Dấu người năm tháng đã khẳng định, đây là nhà văn có tài cả ở thể loại ký văn học - một thể loại mà để viết cho hay là điều không dễ đối với các nhà văn.                                                       

ANH TRUNG