06:12, 29/12/2009

Bi kịch của tham vọng

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Khánh Hòa vừa ra mắt vở dân ca kịch “Tình đời mong manh”. Vở diễn đi sâu phản ánh những vấn đề thời sự của cuộc sống hôm nay như: sự sa ngã của những cô gái trẻ từ quê lên thành phố...

Nhà hát Nghệ thuật truyền thống (NTTT) tỉnh Khánh Hòa vừa ra mắt vở dân ca kịch “Tình đời mong manh”. Vở diễn đi sâu phản ánh những vấn đề thời sự của cuộc sống hôm nay như: sự sa ngã của những cô gái trẻ từ quê lên thành phố; tham vọng quyền lực dẫn đến sự băng hoại về đạo đức, nhân cách… Nhiều khán giả theo dõi đêm diễn đã có chung nhận xét, lâu lắm rồi Nhà hát NTTT tỉnh mới có một vở dân ca kịch “xem được” đến vậy.

Một cảnh trong vở diễn.

Tình đời mong manh là vở diễn có kịch bản tốt, đi đúng vào những vấn đề “nóng” của xã hội. Đã hơn một lần Lê Sơn bày tỏ ý nghĩ: có quyền là có tất cả (tiền tài, danh vọng, tình yêu…), vì thế hắn đã bất chấp luân lý, đạo đức, pháp luật, gài bẫy ông Trần Tạo để nhằm chiếm chiếc ghế Phó Tổng Giám đốc. Lê Sơn rất yêu Vân Dung, nhưng hắn sẵn sàng “hy sinh” người mình yêu để đạt được tham vọng của mình… Người xem vừa căm tức, vừa ghê sợ bởi bản tính thâm độc của y. Bên cạnh đó, nhân vật Trần Tạo cũng để lại cho người xem nhiều suy tư. Khi biết mình bị sập bẫy, Trần Tạo đã cay đắng thốt lên: “Trời ơi! Tôi đã bị cấp dưới gài bẫy rồi”. Thế nhưng, với bản chất của một người lính, Trần Tạo đã không chịu thỏa hiệp với kẻ xấu. Người xem thấy ông đáng thương hơn là đáng giận. Một con người dày dạn kinh nghiệm, từng là người lính lập được nhiều chiến công, Trần Tạo đã vượt qua bao sóng gió cuộc đời nhưng lại bị “chết” bởi “viên đạn bọc đường”. Xen vào giữa mối quan hệ của Lê Sơn - Trần Tạo - Trần Bình là Vân Dung. Cô không hẳn là một người xấu, mà vì hoàn cảnh khó khăn nên cô đã phải nhờ sự trợ giúp của Lê Sơn để rồi bị gài bẫy. Vì vậy, khán giả cảm thấy vừa thương, vừa giận bởi sự ngây thơ của cô. Và hơn hết, người xem có cảm giác như đã gặp nhiều người như Vân Dung ở đâu đó trong cuộc sống đời thường.

 

Có thể nói, đạo diễn Giang Mạnh Hà đã dàn dựng vở diễn này khá chắc tay. Đoạn Trần Tạo và Vân Dung “quan hệ” với nhau được đạo diễn cho diễn viên diễn xuất động tác hình thể ở phía sau phông màn thay vì trần trụi ở trước sân khấu. Cảnh Vân Dung tỉnh dậy, đạo diễn để cho những diễn viên múa bao quanh cô với những dải lụa trắng như vầng khăn tang khóc cho một đời con gái. Tiếp đó, khi Vân Dung gặp lại Trần Bình và từ chối tình yêu của anh vì thấy mình không xứng đáng, dàn diễn viên múa phụ họa với những cành hoa trắng trên tay đã bao quanh 2 diễn viên chính như tiễn đưa mối tình đầu của họ… Bên cạnh những điểm mạnh đó, đạo diễn đã hơi thừa khi để cho Lê Sơn cầm lọ thuốc kích dục và chiếc máy quay phim rồi nói về âm mưu của mình như sợ khán giả không hiểu hết những suy nghĩ trong đầu Lê Sơn. Điều này đã làm mất đi tính bất ngờ của vở kịch… Dẫu vậy, dưới bàn tay đạo diễn của Nghệ sĩ Ưu tú Giang Mạnh Hà, diễn xuất của các diễn viên trong Tình đời mong manh cũng khá tốt. Với khuôn mặt trâng tráo, nụ cười đểu giả, diễn viên Kim Chín đã thể hiện được hình ảnh của một Lê Sơn tham vọng và thâm độc. Sự diễn xuất chững chạc của nghệ sĩ Trần Nhật Lệ cũng đã thể hiện được hình ảnh Trần Tạo - một người dạn dày kinh nghiệm nhưng đã không vượt qua được sự khắc nghiệt của cơ chế thị trường, để rồi phải luôn sống trong sự ray rứt, đau khổ. Do thiếu diễn viên trẻ nên Nhà hát đã để cho nghệ sĩ Ái Ly (hơn 40 tuổi) vào vai Vân Dung. Chị diễn xuất khá tốt, nhưng khán giả vẫn cảm thấy chị hơi già để vào vai một nữ sinh viên sắp tốt nghiệp đại học. Nhạc sĩ Hình Phước Liên nhận xét: “Vở diễn khá sạch sẽ. Tuy nhiên, một số diễn viên hát chưa được tốt… Hy vọng, qua quá trình biểu diễn, các diễn viên sẽ khắc phục được điểm này”.

Tình đời mong manh kết thúc với hình ảnh Vân Dung ra đi tìm chân trời mới. Vân Dung đã phải trả giá đắt cho sai lầm đầu đời, nhưng cánh cửa cuộc đời chưa đóng sập lại với cô. Đó là một kết thúc mở, đầy hy vọng của êkip dàn dựng vở kịch. Trao đổi với người viết, nhà biên kịch Phạm Văn Quý cho biết: “Tôi biết ở ngoài đời, nhiều cô gái rơi vào hoàn cảnh như Vân Dung đã có một kết cục đau xót hơn. Thế nhưng, tôi không muốn vở kịch của mình sẽ kết thúc bằng hình ảnh đen tối. Tôi để cho Vân Dung ra đi với hy vọng ở một nơi nào đó, Vân Dung sẽ tìm được hạnh phúc mới”. Vâng, tất cả chưa kết thúc với Vân Dung nhưng người xem vẫn thấy dâng lên một nỗi xót xa, cay đắng. Vở kịch là một hồi chuông cảnh báo cho mọi người: Hãy biết tự bảo vệ hạnh phúc của mình!

XUÂN THÀNH