05:12, 20/12/2009

Cuộc hội ngộ thú vị

Buổi giao lưu Đại biểu dân tộc thiểu số tỉnh Khánh Hòa tuy diễn ra ngắn gọn nhưng ý nghĩa. Từ cuộc hội ngộ này, nhiều người tin rằng bộ mặt miền núi sẽ có nhiều thay đổi hơn trong tương lai.

Buổi giao lưu Đại biểu dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Khánh Hòa tuy diễn ra ngắn gọn nhưng ý nghĩa. Từ cuộc hội ngộ này, nhiều người tin rằng bộ mặt miền núi sẽ có nhiều thay đổi hơn trong tương lai. Niềm tin đó là có cơ sở khi lãnh đạo tỉnh, các doanh nghiệp đã có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS; khi bên cạnh các nhân tố điển hình, phần lớn đồng bào đã có ý thức vươn lên.

 Ông Trần Công Phàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (thứ 2 bên trái sang) cùng các đại biểu người dân tộc thiểu số tham gia chương trình giao lưu.

 

Tối 17-12, tại Trung tâm Văn hóa 46 Trần Phú (TP. Nha Trang) diễn ra chương trình giao lưu Đại biểu DTTS tỉnh Khánh Hòa. Sắc phục truyền thống của 250 đại biểu là người dân tộc Raglai, Êđê, Tày… đã làm hội trường 46 Trần Phú như đẹp hơn. Màn múa, biểu diễn nhạc cụ dân tộc Raglai của Đội văn nghệ Công viên Du lịch Yangbay (Khánh Vĩnh) càng làm tăng thêm không khí hào hứng của buổi giao lưu. Âm thanh trầm vang của Mã la, tiếng kèn bầu réo rắt cùng điệu múa đầy sức sống của các chàng trai, cô gái Raglai đã gợi lên bức tranh tươi đẹp về cuộc sống ấm no của đồng bào vùng cao. Hình ảnh những mái nhà của đồng bào Raglai cheo leo bên sườn đồi, những ruộng lúa nước xanh tốt… đã thay lời giới thiệu về sự đổi thay của đời sống đồng bào các dân tộc miền núi Khánh Hòa hôm nay.

 

Sự góp mặt của già làng Cao Ri Nâng (Khánh Thành, Khánh Vĩnh), anh Mấu Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Vĩnh cùng ông Trần Công Phàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã làm cho buổi giao lưu trở nên sôi nổi. Nhiều người ở miền núi Khánh Vĩnh biết đến già làng Cao Ri Nâng, người đã có nhiều đóng góp vì sự phát triển của cộng đồng người Raglai ở thôn Giồng Gạo, xã Khánh Thành. Ông thường xuyên gần gũi với bà con, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, vận động bà con chăm lo sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Già làng Cao Ri Nâng tâm sự: “Bản thân là cán bộ, đảng viên, già nhận thấy mình cần có trách nhiệm đối với đồng bào… Mình già rồi nhưng còn bao nhiêu sức phải cống hiến bấy nhiêu, làm không được thì nói, phải nói cho đồng bào hiểu nghèo đói là khổ”. Lời tâm sự của già làng đã làm các đại biểu rất xúc động. Ông Mang Hớn (55 tuổi, xã Cam Thịnh Tây, thị xã Cam Ranh) bày tỏ: “Nếu xã mình có nhiều già làng như Cao Ri Nâng, đồng bào mình sẽ thắng được đói nghèo”. Cũng đến từ Khánh Vĩnh, anh Mấu Văn Phi lại là một tấm gương về sự vượt khó, học tập để vươn lên. Từ lâu, anh Phi được xem như một trong những người con ưu tú của đồng bào Raglai, bởi anh không chỉ là người lãnh đạo của địa phương mà còn thường xuyên khám chữa bệnh cho người dân. Anh tâm sự: “Muốn phát triển kinh tế - xã hội miền núi, chúng ta cần thay đổi nhận thức của đồng bào, để họ biết được lợi ích của việc học tập; phải có những cơ chế, chính sách quan tâm phát triển mạng lưới giáo dục ở miền núi để ngày càng có nhiều hơn các trí thức trẻ người DTTS…”. Những suy nghĩ rất thấu đáo của anh Mấu Văn Phi đã tác động nhiều đến các đại biểu. Chị Cao Thị Mỹ Châu (đại biểu đến từ Liên Sang, Khánh Vĩnh) cho biết: “Lần này về mình sẽ xin đi học y sĩ. Mình muốn được đi học như anh Phi, để khám bệnh giúp đồng bào…”. 

 

Tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Raglai của Đội văn nghệ Công viên Du lịch Yangbay.

 

Buổi giao lưu còn có sự góp mặt của ông Mấu Thái Cư - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, ông Lê Văn Trung - Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Trầm Hương, chị Mấu Thị Thị - Chủ tịch UBND xã Sơn Trung (Khánh Sơn). Đề cập về sự đổi thay ở Khánh Sơn, ông Cư cho biết: Qua quá trình xây dựng đời sống mới và phát triển kinh tế, đồng bào DTTS đã có cuộc sống tương đối ổn định. Những năm gần đây, việc bảo tồn văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS được chú trọng hơn. Huyện đã xây dựng lại một số nhà dài truyền thống, đồng bào cũng có ý thức sử dụng nhạc cụ truyền thống trong các lễ hội…”.

 

Buổi giao lưu đại biểu DTTS Khánh Hòa tuy ngắn gọn những đã gieo vào lòng người một niềm tin về sự phát triển trong đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào miền núi. Ngồi cạnh tôi, anh Cao Ngọ (xã cam Phước Đông, thị xã Cam Ranh) chăm chú theo dõi phần giao lưu của các đại biểu. Anh nói: “Mình tin rồi đây, đời sống của đồng bào mình sẽ ngày một khá hơn. Lúc nãy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Công Phàn đã hứa: tỉnh sẽ tiếp tục có nhiều chính sách ưu đãi để phát triển kinh tế - xã hội miền núi, sẽ có nhiều cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện của đồng bào; sẽ tìm đầu ra cho nông sản…”. Niềm tin rồi đây cuộc sống của đồng bào DTTS sẽ khá hơn, diện mạo miền núi sẽ đổi thay nhiều hơn không phải là không có cơ sở. Bởi với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các doanh nghiệp, sự nỗ lực của lãnh đạo và người dân các địa phương, bức tranh miền núi sẽ khởi sắc hơn. Rồi đây sẽ có nhiều hơn những tấm gương như già làng Cao Ri Nâng, các trí thức trẻ như anh Mấu Văn Phi, chị Mấu Thị Thị… - những người con ưu tú của bản làng…

NHẬT LỆ