Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 14 đã kết thúc được 10 ngày nhưng những băn khoăn, thắc mắc bên lề LHP vẫn chưa thể kết thúc...
Liên hoan phim (LHP) Việt Nam lần thứ 14 đã kết thúc được 10 ngày nhưng những băn khoăn, thắc mắc bên lề LHP vẫn chưa thể kết thúc. Có nhiều câu chuyện chỉ những người trong cuộc mới được biết, mới thấu hiểu ngọn nguồn. Đạo diễn Phạm Việt Thanh, người chịu trách nhiệm đạo diễn lễ khai mạc và lễ bế mạc LHP, đã hé mở cùng VietNamNet một phần của những chuyện bên lề ấy, phần mà anh phải ghé vai cùng gánh ít nhiều trách nhiệm.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân nhận giải Bông sen vàng cho "Người đàn bà mộng du". |
Cho đến lúc này, LHP Việt Nam 14 đã kết thúc, tất cả mọi phần thưởng đều đã có chủ nhưng điều khiến bản thân tôi áy náy nhất là công tác đạo diễn của lễ khai mạc và bế mạc LHP. Trong số những đại biểu đến dự LHP lần này, có rất nhiều người đã đi nước ngoài dự các LHP quốc tế. LHP năm nay cũng đã là LHP lần thứ 14 ở VN cho nên trong tâm trí tất cả những người làm công tác điện ảnh đều mong muốn có được 1 LHP hay, sang trọng hoặc là giống như ở nước người.
Tôi rất vinh dự được lãnh đạo Cục Điện ảnh mời về làm đạo diễn chương trình này. Thực tâm mà nói, LHP lần này cũng có những thành công, cũng có những đổi mới, cũng có những khác biệt nhưng cái mà tôi thực sự muốn làm thì hay hơn cái mà mọi người đã chứng kiến rất nhiều. Chẳng hạn, tôi muốn có một lễ trao giải giữa các nghệ sĩ với nhau; muốn có speaker am tường về điện ảnh hơn, được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, biết tôn vinh các tài năng hơn... Ví dụ như tôi là một người quay phim, tôi rất muốn có một người trao giải quay phim cho tôi và nói rằng: "Có thể có đạo diễn giỏi, có thể có diễn viên giỏi nhưng quay phim không giỏi thì bộ phim cũng không thể thành công".
Mặc dù ai cũng muốn có một LHP được tổ chức hoành tráng song để làm được như ý muốn rất khó. Muốn có một LHP sang trọng ở một nơi đẹp như Buôn Ma Thuột, ngoài việc cần có thời gian còn phải phụ thuộc vào kinh phí. Mọi việc đều cần đến tiền, từ đi lại cho đến ăn ở... Lãnh đạo Cục Điện ảnh cũng phải vật lộn đi xin tài trợ vì kinh phí rất hẹp hòi. Đây là lần đầu tiên LHP Việt Nam nhận tài trợ và có tài trợ. Trong số các nhà tài trợ, dấu ấn đầu tiên cần phải ghi nhận là sự giúp đỡ của Cty Thương mại Đầu tư và Xây dựng Hải Phòng, đơn vị đầu tiên nhận tài trợ cho LHP. Tất nhiên, số tiền của họ hạn chế (vài trăm triệu đồng) nhưng tấm lòng của họ khiến tôi cảm động. Bởi vì, việc làm này xuất phát từ chuyện trước đây Tổng Giám đốc của Công ty này là lính chiến đấu ở cao nguyên. Anh đã từng tham gia chiến đấu ở Plâyku, Buôn Ma Thuột và anh muốn nhân dịp này về thăm đồng đội ở cao nguyên, tất nhiên trong số đó có cả những người đã nằm xuống. Sau đó, còn có một số đơn vị khác tham gia tài trợ, thậm chí, sau đêm khai mạc, dường như một số đơn vị nhận thấy sự kiện này cũng hay nên tiếp tục đăng ký tài trợ cho LHP.
Có một nỗi lo nữa là các ca sĩ biểu diễn trong chương trình ngại đi xa, lo cát sê không đáp ứng được yêu cầu của họ nhưng cuối cùng họ vui vẻ nhận cát sê rất thấp (chỉ có 1- 2 trường hợp đặc biệt). Nhìn chung, mọi người rất nhiệt tình biểu diễn trong LHP, đặc biệt là anh Tuấn Khanh đã giúp đỡ rất nhiều.
Sau vấn đề kinh phí, chúng tôi còn phải chịu những o ép về thời gian. Ngay từ việc tập dượt cho lễ trao giải, tôi phải xin phép mãi mới có đựơc một buổi nhưng chuyện tập dượt này cũng khá khó khăn vì thành viên trong lễ trao giải gồm toàn những chủ tịch, BGK, toàn những NSND, những vị lãnh đạo mà chúng tôi kính nể. Hơn thế nữa, không phải ai cũng tập dượt được, có người phải đi giao lưu, có người phải lo ăn uống cho anh em... Thời gian thì có hạn mà khi tập dượt ai cũng muốn góp ý kiến. Người muốn thế này, người muốn thế kia. Nhưng việc nhiều người phát biểu lại ảnh hưởng đến thời gian phát sóng trực tiếp. Nhà đài thì thận trọng và họ thận trọng cũng đúng. Đã vậy, tất cả những người phát giải thì đã biết rồi nhưng họ không biết trao giải cho ai vì nguyên tắc là phải giữ bí mật đến phút cuối cùng. Giá như, chúng tôi có hẳn một ngày cho việc tập dượt, chắc chắn lễ trao giải sẽ diễn ra hay hơn.
Vấn đề thời gian eo hẹp khiến tôi thực sự rất lo cho đêm trao giải. Chị Hồng Ngát - Cục phó Cục Điện ảnh phải gọi điện xin thêm thời gian truyền hình trực tiếp. Thoạt đầu, tôi cũng muốn buổi lễ phải hoành tráng nhưng bên nhà đài chỉ sợ dân điện ảnh không có tính kỷ luật nên co hết chương trình lại. Mặc dù êkip đạo diễn thời gian phát sóng cũng rất tâm huyết nhưng mọi người lấy sự an toàn làm đầu vì trách nhiệm của phía truyền hình rất lớn. Bao nhiêu chương trình ca nhạc hay, vốn được sắp xếp xen kẽ giữa những phần trao giải thưởng, phải dồn hết cả xuống cuối khiến chương trình trở nên cứng nhắc, mất đi cái đẹp lung linh của một chương trình nghệ thuật. Chương trình bị cắt chỗ nọ, cắt chỗ kia nên trơ trụi như một cái cây không có lá nhưng tôi cũng phải đồng tình để đảm bảo an toàn.
Ý định ban đầu của tôi còn muốn có thật nhiều người tham dự để LHP sôi động hơn vui hơn. Nhưng có nghệ sĩ phải đi đóng phim, có người phải đi chạy sô, có người lại không có kinh phí đi dự LH... Tôi cũng muốn truyền hình trực tiếp phải đưa được cận cảnh giây phút các nghệ sĩ từ chỗ ngồi đi lên sân khấu nhận giải: bước đi của họ thế nào, gương mặt của họ ra sao, đồng nghiệp chúc mừng... nhưng không máy quay nào bắt được. Thậm chí, quay phim từ Đà Nẵng vào nên không biết ai là chủ tịch BGK, ai là Bộ trưởng..., đến lúc ấy mới hỏi: "Anh ơi, ông này là ai?". Hơn thế nữa, chỗ ngồi thì chật hẹp, mọi người xô đẩy nhau không ai ngồi đúng vị trí cũng như thứ tự... Tất cả những điều đó làm cho mọi việc cứ rối tung lên.
Lễ khai mạc LHP Việt Nam 14. |
Có một điều rất vui là lễ trao giải được làm ngoài trời, dịp duy nhất từ xưa đến nay. Nếu không làm được ngoài trời thì gần như bên trong sẽ bị vỡ vì người dân Buôn Ma Thuột cực kỳ mê điện ảnh nên đến rất đông. Những buổi giao lưu trước đó cũng thường có hàng chục nghìn người tham dự với thái độ rất nghiêm túc và say sưa xem phim. Tiếc là Buôn Ma Thuột không có rạp cho họ xem. Nhiều người không hiểu tại sao phần ca nhạc lại kéo dài thế nhưng thực ra chương trình đã bị sắp xếp lại: Tất cả các tiết mục ca nhạc xen kẽ những phần trao thưởng bị dồn vào một lúc.
Lễ khai mạc lại gặp một tai nạn là trời mưa. Các ông già sợ ốm, chạy vào trong trú mưa khiến mọi người chạy theo ào ào. Tôi rất tiếc cho đêm khai mạc LHP vì tôi muốn đêm đó sẽ được giới thiệu từng người, như người này đã từng đoạt danh hiệu gì, làm phim gì, ở hãng nào... nhưng thời gian không cho phép. Theo kịch bản là các địa phương ra đón khách, mời rượu, múa chào mừng, chào cờ rồi lại ra uống rượu - một kịch bản rất dễ vui nhưng những người tham gia thiếu tính kỷ luật, bỏ đi giao lưu hoặc làm những việc gì đó nên kịch bản bị phá vỡ.
Nói chung, có nhiều điều bề bộn. Người nào cũng vất vả nhưng rồi ai cũng có thể nói một câu chê bai, từ cờ quạt đến khẩu hiệu, từ băng rôn đến lo go của nhà tài trợ... Nếu mỗi người biết bao dung hơn một chút, chịu khó nghe người đạo diễn hơn một chút, chương trình sẽ rất dễ hay.
Theo vnn