21:57, 10/09/2024

Việt Nam tham dự Hội nghị các cơ quan nghiên cứu chiến lược ASEAN lần thứ nhất

Hội nghị các cơ quan nghiên cứu chiến lược ASEAN lần thứ nhất cung cấp một nền tảng để đóng góp các ý tưởng chiến lược giải quyết các ưu tiên cấp bách nhất của ASEAN.

Tổng Thư ký ASEAN, Tiến sỹ Kao Kim Hourn phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Đỗ Quyên/TTXVN)
Tổng Thư ký ASEAN, Tiến sỹ Kao Kim Hourn phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Đỗ Quyên/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, ngày 10/9, Hội nghị các cơ quan nghiên cứu chiến lược Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ nhất (ATTS) đã nhóm họp tại Trụ sở Ban Thư ký ASEAN ở Jakarta, đánh dấu một thời điểm quan trọng trong nỗ lực của khu vực nhằm giải quyết các thách thức địa chính trị và kinh tế mới nổi.

Hội nghị ATTS là sáng kiến mang tính đột phá của Viện Quan hệ Quốc tế Singapore (SIIA), tập hợp đại diện các nhóm chuyên gia tư vấn từ các cơ quan nghiên cứu chiến lược của ASEAN và các đối tác đối thoại, nhằm thúc đẩy các nỗ lực trên toàn khu vực, cung cấp một nền tảng để đóng góp các ý tưởng chiến lược giải quyết các ưu tiên cấp bách nhất của ASEAN.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Thư ký ASEAN, Tiến sỹ Kao Kim Hourn nhấn mạnh các cuộc thảo luận và tương tác tại diễn đàn này sẽ dẫn đến các giải pháp sáng tạo, tăng cường quan hệ đối tác và tăng cường hợp tác giữa tất cả các nhóm chuyên gia.

ATTS sẽ là cầu nối để đưa các nhóm chuyên gia của ASEAN và các đối tác đối thoại hợp tác chặt chẽ với nhau và kết nối các quan chức của các quốc gia thành viên ASEAN để hoạch định chính sách hợp tác và toàn diện.

ATTS thảo luận 5 lĩnh vực trọng tâm được xác định là quan trọng đối với tiến trình của ASEAN, tập trung vào kết nối và tính trung tâm, gồm: tăng cường Kết nối Kỹ thuật số (Xây dựng một ASEAN kỹ thuật số có khả năng cạnh tranh có thể phát triển mạnh trong nền kinh tế toàn cầu); Tăng cường Kết nối Năng lượng (Thúc đẩy hợp tác về các mục tiêu khí hậu để thúc đẩy cộng đồng khí hậu ASEAN bền vững); Xây dựng Kết nối Thể chế và Chính trị (Tạo ra một ASEAN kiên cường có khả năng giải quyết các thách thức).

Hai lĩnh vực nhằm duy trì vai trò trung tâm của ASEAN gồm thúc đẩy sự thống nhất và chủ động quản lý căng thẳng khu vực để giữ vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề toàn cầu; Vận hành triển vọng của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (AOIP): Tận dụng sự tương hỗ giữa AOIP và các chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của các cường quốc để xây dựng lại lòng tin chiến lược và tăng cường hợp tác.

Học viện Ngoại giao Việt Nam là một trong những thành viên của ASEAN-ISIS, một mạng lưới các nhóm nghiên cứu tại ASEAN.

Ông Trịnh Minh Mạnh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Ngoại giao (Bộ Ngoại giao), cho biết: “Việt Nam đã có những sáng kiến đóng góp vào hoạt động chung của mạng lưới. Chúng tôi xác định đóng góp vào công việc chung, nhưng đồng thời cũng để bảo vệ lợi ích, quan điểm của Việt Nam trong những vấn đề sát sườn của mình.”

Sự thành công của hội nghị đầu tiên này sẽ mở đường cho các cuộc đối thoại liên tục và mở rộng trong những năm tới, củng cố năng lực của ASEAN trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu.

Những khuyến nghị tại hội nghị sẽ được đệ trình lên các nhà lãnh đạo ASEAN để xem xét tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 10 tới.

Theo TTXVN