Theo phóng viên TTXVN tại Lào, sáng 28/8 tại thủ đô Viêng Chăn, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia lần thứ 18 (AMMTC 18) đã khai mạc trọng thể.
Các Bộ trưởng chụp ảnh chung tại hội nghị. Ảnh: Xuân Tú/PV TTXVN tại Lào. |
Đại tướng Vilay Lakhamphong, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Lào chủ trì Hội nghị. Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị do Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn.
Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Lào Vilay Lakhamphong cho biết, Lào nhận thức và hiểu rõ không một quốc gia nào muốn có tội phạm xảy ra trên lãnh thổ của mình nhưng do vị trí địa lý và điều kiện xuất nhập cảnh thuận lợi nên tội phạm có thể trốn thoát được.
Đại tướng Vilay Lakhamphong chia sẻ Lào đã xây dựng và hoàn thiện cơ chế Hội nghị hợp tác cấp Bộ và các cơ quan liên quan cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng giai đoạn; xây dựng và bổ sung các văn bản bổ sung làm cơ sở cho hợp tác như Công ước kế hoạch hành động, kế hoạch công tác phòng chống tội phạm xuyên quốc gia trong khu vực và đã tổ chức Hội nghị trao đổi, đánh giá lại công tác thực hiện hợp tác trong từng năm để tìm cách giải quyết vấn đề tội phạm xuyên quốc gia cấp quốc tế, khu vực và cấp quốc gia.
Hiện khu vực ASEAN đang phải đối mặt với mối đe dọa của nhiều loại tội phạm xuyên quốc gia như buôn bán ma túy, đặc biệt là ma túy tổng hợp tiếp tục gia tăng, điều này có thể thấy qua con số mà lực lượng chức năng thu giữ được qua mỗi năm đều tăng, dù ASEAN đã rất quan tâm đến việc giải quyết vấn đề này. Tội phạm buôn bán người, tội phạm lừa đảo qua mạng, tội phạm công nghệ cao cũng ngày càng tăng… Ngoài ra, khủng bố, buôn lậu vũ khí, rửa tiền… cũng là mối đe dọa an ninh trong khu vực.
Để đối phó với những vấn đề này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Lào đề nghị, các nước ASEAN cần tăng cường hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau, trao đổi thông tin; xây dựng khả năng cho lực lượng thực thi pháp luật, chia sẻ bài học và sẵn sàng tìm ra cách tốt nhất để ngăn ngừa và trấn áp tội phạm xuyên quốc gia..
Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia là cơ chế thảo luận cấp cao, đóng vai trò quan trọng vào việc thúc đẩy hợp tác, phòng ngừa và chống tội phạm xuyên quốc gia.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng nhìn lại và có những đánh giá về tình hình tội phạm xuyên quốc gia trong thời gian qua, từ đó đưa ra những kiến nghị, để xuất để cùng nhau phối hợp thực hiện trong công tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia trong thời gian tới.
Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Xuân Tú/PV TTXVN tại Lào. |
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Lương Tam Quang đã đưa ra một số kiến nghị và đề xuất: Thứ nhất, tăng cường chia sẻ thông tin về tội phạm, hỗ trợ thu thập thông tin, xác minh, điều tra về tội phạm; nghiên cứu thúc đẩy phối hợp điều tra chung, đấu tranh chuyên án chung đối với các loại tội phạm xuyên quốc gia như tội phạm ma túy, hình sự, mua bán người, tội phạm sử dụng công nghệ cao; cử các đoàn công tác phối hợp xác minh, điều tra bắt giữ các đối tượng phạm tội ở nước này lần trồn tại nước khác; tổ chức tuần tra chung, phối hợp triển khai cao điểm chung cấp ASEAN tấn công, trấn áp tội phạm xuyên quốc gia, nhất là giữa các nước có chung đường biên giới.
Thứ hai, tăng cường phối hợp nắm tình hình, đấu tranh với tội phạm là công dân nước này phạm tội ở nước kia; thúc đẩy và đa dạng hóa các chiến dịch truyền thông khu vực để tạo sự chuyến biến, nâng cao nhận thức của người dân về các mối đe dọa tiềm ẩn từ các loại tội phạm xuyên quốc gia, đặc biệt là tội phạm mua bán người, khủng bố, tội phạm mạng..., góp phần chủ động phòng ngừa tội phạm xuyên quốc gia từ sớm, từ xa.
Thứ ba, nâng cao hơn nữa hiệu quả xử lý các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự và dẫn độ, chuyển giao, truy nã tội phạm giữa các nước ASEAN, đặc biệt trong việc truy tìm và thu hồi tài sản bị các đối tượng phạm tội chiếm đoạt và tẩu tán ra nước ngoài, đáp ứng yêu cầu đấu tranh xử lý tội phạm trên cơ sở đảm bảo đúng quy định pháp luật và yêu cầu chính trị, đối ngoại của mỗi nước.
Thứ tư, thúc đấy nghiên cứu hợp tác ứng dụng khoa học công nghệ trình độ cao (trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, trợ lý ảo...), hỗ trợ nhau trong công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi pháp luật phục vụ công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm xuyên quôc gia, đáp ứng tốc độ phát triển nhanh phương tiện kỹ thuật, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu thực tế, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới với nguyên tắc "không đi sau tội phạm, không để tội phạm lộng hành".
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin