ASEAN có trách nhiệm gắn kết, dẫn dắt các nước trong tiểu vùng đối với tất cả các lĩnh vực, từ đó đem lại nguồn lực, sự phát triển, hòa bình, ổn định, hòa bình cho khu vực cũng như trên thế giới.
ASEAN có trách nhiệm gắn kết, dẫn dắt các nước trong tiểu vùng đối với tất cả các lĩnh vực, từ đó đem lại nguồn lực, sự phát triển, hòa bình, ổn định, hòa bình cho khu vực cũng như trên thế giới.
Ngày 30/11, Diễn đàn cấp cao ASEAN về hợp tác tiểu vùng vì tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững đã diễn ra theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Đây là sáng kiến do Việt Nam đề xuất, được tổ chức với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thủ tướng Lào Phankham Viphavanh; Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn, cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành ở Trung ương, chuyên gia, nhà quản lý, tổ chức quốc tế.
Bên lề diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng Quan chức cao cấp (SOM) ASEAN Nguyễn Quốc Dũng đã trao đổi với báo chí một số nội dung về sáng kiến này của Việt Nam.
- Xin Thứ trưởng cho biết vì sao Việt Nam đưa sáng kiến tổ chức Hội nghị Diễn đàn cấp cao ASEAN về hợp tác tiểu vùng vì tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: ASEAN có một số tiểu vùng và các tiểu vùng này có sự phát triển với những thế mạnh, khó khăn, thuận lợi khác nhau. Trong một thời gian các nước trong tiểu vùng tự liên kết với nhau, đồng thời có sự hỗ trợ của các đối tác bên ngoài.
Sự chú ý của ASEAN đến sự phát triển của tiểu vùng còn rất ít. Doanh nghiệp của các nước đối tác bên ngoài đã tìm được những cơ hội làm ăn, kinh doanh tại các tiểu vùng, trong khi doanh nghiệp ASEAN lại không tận dụng được lợi thế ngay trên sân nhà.
Điều này là không hợp lý. Việt Nam phát hiện ra điều này và nhận thấy ASEAN cần có hướng tính toán lại. Từ đó, Việt Nam đã đưa ra đề xuất tổ chức Diễn đàn này nhằm gắn sự phát triển của các tiểu vùng với tiến trình chung của ASEAN.
Tiến trình chung xây dựng Cộng đồng ASEAN không thể chỉ thiết kế ra những kế hoạch chung cho toàn Cộng đồng mà bỏ qua các tiểu vùng; như vậy là chưa hợp lý và không có sự bổ trợ lẫn nhau trong khu vực.
Sáng kiến này của Việt Nam được đánh giá rất cao. Nhiều phát biểu tại Diễn đàn cho rằng Việt Nam đã đưa ra ý kiến rất chính xác, đúng thời điểm, đặc biệt là trong bối cảnh ASEAN tiếp tục phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Một vấn đề nữa, việc tổ chức Diễn đàn lần này cũng nhằm nêu bật vai trò trung tâm của ASEAN ngay trên “sân nhà,” theo đó, ASEAN có trách nhiệm gắn kết, dẫn dắt các nước trong tiểu vùng đối với tất cả các lĩnh vực; từ đó, đem lại nguồn lực, sự phát triển, hòa bình, ổn định, hòa bình cho khu vực cũng như trên thế giới.
- Thưa Thứ trưởng, Kết quả của Diễn đàn lần này sẽ đóng góp như thế nào đối với hợp tác tiểu vùng và tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Diễn đàn là bước tiếp nối các nỗ lực của Việt Nam từ năm Chủ tịch ASEAN 2020 nhằm thúc đẩy sự phát triển các tiểu vùng trong ASEAN, gắn với tiến trình xây dựng Cộng đồng của ASEAN.
Đây là cách tiếp cận phù hợp, được các nước ủng hộ để ASEAN, không những chỉ phát huy vai trò ở một khu vực rộng lớn, mà phải phát huy ngay trong vùng lãnh thổ của mình, trong đó có các tiểu vùng ASEAN.
Với sự tham dự đông đảo của lãnh đạo các nước ASEAN, chuyên gia, doanh nghiệp ASEAN và các đối tác khác, tôi mong rằng, sau diễn đàn này, ASEAN sẽ chia sẻ nhận thức chung, đề ra được các chủ trương, chính sách cho cộng đồng, chính sách của từng tiểu vùng và của các nước thành viên, đóng góp vào sự phát triển của khu vực.
Ssau Diễn đàn, các cơ chế hiện có của tiểu vùng cùng các cơ chế của ASEAN sẽ gắn bó hơn nữa trong phối hợp đề ra các kế hoạch hành động, các dự án thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, doanh nghiệp các nước trong khu vực; đồng thời, tạo cơ chế để các nước ngoài khu vực có thể tham gia đóng góp vào tiểu vùng.
- ASEAN cần làm gì để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi tham gia tìm hiểu, khai thác tiềm năng kinh doanh, đầu tư tại các tiểu vùng, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Tôi cho rằng, muốn phát triển các tiểu vùng, trước hết phải có chính sách cần thiết; từ nhận thức sẽ đi đến chính sách rồi mới có cơ chế thu hút nguồn lực, sự quan tâm và các dự án, kế hoạch cụ thể.
Từ diễn đàn này, lãnh đạo các nước trong tiểu vùng cũng như ASEAN sẽ thống nhất được chủ trương, chính sách, từ đó tạo ra các cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Thông qua Diễn đàn, ASEAN sẽ hiểu được doanh nghiệp trong khối gặp những khó khăn nào để tạo cơ chế tháo gỡ. Các doanh nghiệp cũng nhìn được những thế mạnh của mình khi tham gia phát triển tiểu vùng, để cùng với ASEAN, đem lại lợi ích cho nhân dân khu vực này cũng như bản thân doanh nghiệp, từ đó hướng tới sự phát triển bền vững, toàn diện, để không ai bị bỏ lại phía sau.
- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.
Theo TTXVN