01:07, 26/07/2020

Ghi dấu ấn Việt Nam trong ASEAN

Ngày 28-7-1995, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN), ghi dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập khu vực và thế giới của Việt Nam, cũng như quá trình phát triển của ASEAN.

Ngày 28-7-1995, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông - Nam Á (ASEAN), ghi dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập khu vực và thế giới của Việt Nam, cũng như quá trình phát triển của ASEAN. Trong chặng đường 25 năm qua, Việt Nam luôn phát huy vai trò là một thành viên có trách nhiệm, tích cực, năng động, sáng tạo và nỗ lực hết mình vì Hiệp hội.
 
ASEAN là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam
 
Trong một phần tư thế kỷ sống dưới “mái nhà chung” ASEAN, Việt Nam đã có những đóng góp rất quan trọng cho Hiệp hội. Nhân dịp kỷ niệm 25 năm Ngày Việt Nam gia nhập ASEAN, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng (trong ảnh), Trưởng SOM ASEAN Việt Nam trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Nhân Dân về vai trò của Việt Nam trong ASEAN, cũng như phương hướng tham gia ASEAN của nước ta trong thời gian tới. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.
 
 
 
Phóng viên: Như nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đánh giá, gia nhập ASEAN là một quyết sách đúng đắn và kịp thời của Việt Nam. Xin Thứ trưởng đánh giá về quá trình 25 năm Việt Nam đồng hành, gắn bó với ASEAN?
 
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Có thể nói là 25 năm qua đã chứng kiến sự thay đổi và chuyển biến hết sức mạnh mẽ của cả ASEAN và Việt Nam. ASEAN đã trở thành một tổ chức khu vực thành công, năng động và sáng tạo với tiềm năng kinh tế đứng thứ năm thế giới, thu hút được sự quan tâm và hợp tác của cộng đồng quốc tế.
 
Trong khi đó, Việt Nam, từ một nước có nền kinh tế bao cấp và lạc hậu, đã trở thành một nước có thu nhập trung bình với nền kinh tế thị trường năng động và đang tích cực hội nhập sâu rộng vào khu vực và thế giới. Từ những bước ban đầu còn chập chững, Việt Nam nay đã là một thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm, chung tay cùng các nước thành viên ASEAN khác ứng phó các thách thức đang nổi lên, cũng như đóng góp xử lý những vấn đề chiến lược liên quan hòa bình, phát triển, thịnh vượng của ASEAN; qua đó, góp phần thúc đẩy vị thế của ASEAN cũng như vị thế của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
 
Phóng viên: Trong 25 năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp nổi bật gì cho nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN?
 
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Trong 25 năm qua, Việt Nam đã có những đóng góp rất quan trọng cho ASEAN.
 
Thứ nhất, là một nước tầm trung trong khu vực, với dân số đứng thứ ba, diện tích đứng thứ tư ở Ðông - Nam Á, việc Việt Nam tham gia ASEAN đã giúp cho tổ chức này lớn mạnh về tiềm lực, phạm vi cũng như vững mạnh về tổ chức, giúp ASEAN trở thành một tổ chức vững mạnh, mở ra một thời kỳ phát triển mới của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.
 
Thứ hai, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp vào xây dựng định hướng phát triển và các quyết sách lớn của ASEAN, trong đó có thể kể đến Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch tổng thể kèm theo, Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC), Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI)…
 
Thứ ba, Việt Nam đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào việc triển khai thực hiện các quyết định chung của ASEAN. Chúng ta tham gia triển khai đầy đủ và sâu rộng các hoạt động hợp tác trong lĩnh vực chính trị - an ninh, văn hóa - xã hội và kinh tế, cũng như chủ trì tổ chức các sự kiện có liên quan theo nghĩa vụ thành viên. Việt Nam là một trong những nước đạt tỷ lệ thực thi cao các chương trình, biện pháp liên kết kinh tế của ASEAN. Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, chỉ ba năm sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (tháng 12-1998); tiếp đó, đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, tạo tiền đề quan trọng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2020.
 
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã đóng góp vào việc hình thành, củng cố và phát triển các thể chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt. Có thể kể đến quyết định mở rộng Hội nghị cấp cao Ðông Á (EAS) để kết nạp thêm Mỹ và Nga, lần đầu tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), vận động để đại diện cho ASEAN dự Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Hàn Quốc và Ca-na-đa...
 
Phóng viên: Năm 2020 là năm bản lề trong đánh giá giữa kỳ công tác triển khai các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 - 2025. Thứ trưởng có thể cho biết về định hướng phát triển của ASEAN đến năm 2025 và những năm tiếp theo, cũng như vai trò và phương hướng tham gia ASEAN của Việt Nam trong thời gian tới?
 
Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng: Sau hơn 50 năm phát triển, ASEAN đã trở thành một tổ chức khu vực thành công. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động nhanh chóng, phức tạp và khó lường, ASEAN phải thành công trong xây dựng một Cộng đồng gắn kết, tự cường và vững mạnh.
 
Ðể làm được điều này, ASEAN cần tăng mức liên kết nội khối, tăng chất kết dính thông qua các mẫu số lợi ích chung, cải tiến và củng cố nền tảng hợp tác và khuôn khổ thể chế hiện tại. Làm sao ASEAN đem lại điều kiện thuận lợi để các nước phát triển hơn nữa, để gắn bó hơn nữa, thích ứng kịp thời và nhanh chóng trước những biến chuyển của tình hình, nhất là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, cách mạng công nghiệp 4.0… Ðiều này cũng chính là những gì mà Việt Nam mong muốn gửi gắm trong chủ đề và những ưu tiên của Năm Chủ tịch ASEAN 2020.
 
Một điều không kém phần quan trọng là ASEAN cần củng cố và phát huy vai trò trung tâm ở khu vực. Một ASEAN đoàn kết, thống nhất là nhân tố then chốt giúp Hiệp hội giữ vững vai trò trung tâm ở khu vực, có quan hệ cân bằng, cùng có lợi với các đối tác.
 
Ðịnh hướng phát triển của ASEAN trong thời gian tới rất phù hợp với chính sách của Việt Nam. ASEAN luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Vừa tận hưởng những lợi ích mà Cộng đồng ASEAN mang lại, Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động đề xuất những sáng kiến, định hướng để chung tay xây dựng Cộng đồng. Một Cộng đồng ASEAN lớn mạnh và tự cường sẽ là chỗ dựa vững chắc của Việt Nam để cùng vượt qua những khó khăn, sóng gió ngày càng lớn trong thời gian tới.
 
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
 

 

 
Theo nhandan.com.vn