Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi ngày 15/11 đã thị sát 2 cơ sở hạt nhân của Iran trong khuôn khổ chuyến thăm nước này, trước thời điểm châu Âu dự kiến sẽ công bố động thái ngoại giao liên quan các hoạt động hạt nhân của Tehran và trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trở lại Nhà Trắng.
Tổng giám đốc IAEA Rafael Grossi. Ảnh: Kyodo/TTXVN |
Trong chuyến thăm, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi đã cam kết với Tổng Giám đốc IAEA rằng Tehran sẵn sàng giải quyết các tranh cãi hiện nay về chương trình hạt nhân của nước này nhưng sẽ "không khuất phục trước áp lực". Theo truyền thông nhà nước Iran, ông Grossi đã thăm nhà máy hạt nhân Natanz và cơ sở làm giàu urani Fordow, được xây dựng bên trong một ngọn núi cách thủ đô Tehran khoảng 100 km về phía Nam.
Quan hệ giữa Tehran và IAEA đã xấu đi do nhiều vấn đề tồn tại lâu nay, bao gồm việc Iran cấm các chuyên gia làm giàu urani của IAEA tới nước này và không giải thích được về dấu vết urani được phát hiện tại các địa điểm không được khai báo. Việc ông Trump trở lại Nhà Trắng vào tháng 1/2025 được cho là sẽ đảo lộn các hoạt động ngoại giao hạt nhân với Iran, vốn đã bế tắc dưới thời chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Joe Biden sau nhiều tháng đàm phán gián tiếp.
Trong nhiệm kỳ trước của ông Trump, Mỹ đã rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) giữa Iran và 6 cường quốc thế giới, thỏa thuận vốn hạn chế các hoạt động hạt nhân của Tehran để đổi lấy việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt quốc tế. Tổng thống đắc cử Trump chưa nêu rõ liệu ông có tiếp tục chính sách “gây sức ép tối đa” với Iran khi nhậm chức hay không. Việc Washington rút khỏi JCPOA hồi năm 2018 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đã khiến Tehran vi phạm các giới hạn về làm giàu urani.
Hiện nay, Tehran đang làm giàu urani tới mức độ phân hạch 60%, gần với mức khoảng 90% cần thiết để chế tạo bom nguyên tử. Iran khẳng định chương trình hạt nhân của nước này chỉ nhằm mục đích hòa bình.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin