23:20, 24/11/2024

Châu Âu đối mặt với cuộc khủng hoảng khí đốt mới

Theo cảnh báo của hãng tin Bloomberg, châu Âu đang đứng trước nguy cơ tái diễn một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng khi lượng dự trữ khí đốt cạn kiệt nhanh chóng, trong khi các lệnh trừng phạt mới của Mỹ đối với Gazprombank đe dọa cắt đứt những tuyến cung cấp khí đốt cuối cùng từ Nga.

Một cơ sở dự trữ khí đốt ở Zsana, Hungary. Ảnh: THX/TTXVN
Một cơ sở dự trữ khí đốt ở Zsana, Hungary. Ảnh: THX/TTXVN

Từ sau cú sốc năng lượng lớn cách đây hai năm, thị trường khí đốt châu Âu vẫn đang vật lộn để phục hồi. Bloomberg nhận định, giá khí đốt đã tăng tới 45% trong năm nay, phần lớn do tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine. Dù giá hiện tại vẫn thấp hơn mức đỉnh năm 2022, nhưng đủ cao để đẩy mạnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và gia tăng áp lực lên các nhà sản xuất.

Tiến sĩ Markus Krebber, Giám đốc điều hành của RWE AG (một trong những công ty năng lượng lớn nhất châu Âu), nhấn mạnh: “Chúng ta vẫn gặp vấn đề với nguồn cung khí đốt. Nếu muốn hoàn toàn độc lập khỏi khí đốt Nga, chúng ta cần tăng cường năng lực nhập khẩu”.

Lời cảnh báo của ông Krebber được đưa ra trong bối cảnh kho dự trữ khí đốt của châu Âu đang cạn kiệt nhanh chóng, do nhu cầu sưởi ấm tăng cao trong mùa đông, cộng với việc thiếu gió làm giảm sản lượng điện từ năng lượng tái tạo.

Tuần này, Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên Gazprombank, một ngân hàng chính của Nga tham gia vào các giao dịch liên quan đến năng lượng và cũng là kênh kết nối cuối cùng giữa Nga với hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT.

Động thái này có nguy cơ làm gián đoạn những tuyến cung cấp khí đốt cuối cùng từ Nga qua đường ống. Các nhà phân tích tại Energy Aspects, cảnh báo: “Mất đi một trong những tuyến cung cấp khí đốt cuối cùng từ Nga sẽ gia tăng áp lực lên thị trường và đẩy giá năng lượng toàn cầu lên cao hơn nữa”.

Hungary, quốc gia thường xuyên phản đối các biện pháp trừng phạt mạnh tay với Nga, đã chỉ trích quyết định của Mỹ. Chính phủ Hungary tuyên bố rằng trừng phạt Gazprombank là hành động đe dọa trực tiếp đến an ninh năng lượng của nhiều quốc gia châu Âu.

Thủ tướng Viktor Orbán nhiều lần cảnh báo rằng những biện pháp này không chỉ làm tổn hại kinh tế Nga mà còn gây thiệt hại nặng nề cho chính các nước châu Âu, đặc biệt là các quốc gia phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga.

Hungary hiện vẫn duy trì hợp đồng nhập khẩu khí đốt dài hạn với Gazprom, giúp nước này có được nguồn cung ổn định trong khi nhiều quốc gia châu Âu phải tìm kiếm nguồn thay thế đắt đỏ hơn.

Ngày 23/11, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary Peter Szijjarto đã bày tỏ quan ngại về quyết định của Mỹ khi đưa Gazprombank vào danh sách trừng phạt.

Theo ông Szijjarto, quyết định này có thể làm gia tăng khó khăn cho một số quốc gia Trung Âu, trong đó có Hungary, trong việc đảm bảo an ninh năng lượng.

Trên trang Facebook cá nhân, ông Szijjarto nhận định: “Việc đưa Gazprombank vào danh sách trừng phạt là một quyết định gây áp lực không cần thiết lên một số quốc gia Trung Âu và có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến an ninh nguồn cung năng lượng”. Ông khẳng định Hungary luôn coi việc bảo vệ an ninh năng lượng là ưu tiên hàng đầu và sẽ tiếp tục thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo nguồn cung khí đốt ổn định cho quốc gia.

Thời điểm mùa hè thường là lúc giá khí đốt giảm để các nước bổ sung kho dự trữ, nhưng giá hiện tại lại cao hơn cả mức dự báo cho mùa đông sắp tới. Điều này khiến việc tích trữ trở nên ngày càng khó khăn và đắt đỏ, trong khi mùa đông lạnh giá khiến tiêu thụ khí đốt tăng cao.

Mặc dù Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra các kế hoạch nhằm giảm phụ thuộc năng lượng Nga, nhưng khối này vẫn là một trong những khách hàng lớn nhất của Nga về nhiên liệu hóa thạch. Tình hình hiện tại đặt châu Âu trước những thách thức lớn, đặc biệt trong bối cảnh mùa đông đang đến gần.

Cuộc khủng hoảng năng lượng tại châu Âu không chỉ là bài toán về cung và cầu, mà còn phản ánh rõ nét những mâu thuẫn trong chính sách năng lượng của khối này. Trong khi các nước lớn như Đức, Pháp thúc đẩy năng lượng tái tạo, một số quốc gia như Hungary lại duy trì phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và mối quan hệ với Nga.

Dù vậy, một điều rõ ràng là giá năng lượng sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới, đẩy mạnh các áp lực kinh tế và xã hội tại châu Âu. Liệu EU có tìm được tiếng nói chung để giải quyết khủng hoảng hay không vẫn còn là câu hỏi lớn. 

Theo baotintuc.vn