18:19, 07/11/2024

2024 đang trên đà trở thành năm nóng nhất trong lịch sử

Ngày 7/11, Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) công bố dữ liệu cho thấy, năm 2024 đang trên đà trở thành năm nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử. Đây cũng là năm đầu tiên ghi nhận nhiệt độ toàn cầu vượt mức tăng 1,5 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp.

 Người dân chật vật trong một đợt nắng nóng ở Pakistan. (Ảnh: Reuters)
 Người dân chật vật trong một đợt nắng nóng ở Pakistan. (Ảnh: Reuters)

C3S đánh giá, tính tới hiện tại "gần như chắc chắn" rằng năm 2024 sẽ phá vỡ kỷ lục nhiệt độ của các năm trước đó. Nếu muốn đà thiết lập kỷ lục này dừng lại thì mức nhiệt độ trung bình bất thường trong những tháng còn lại của năm sẽ cần phải giảm xuống gần bằng 0.

Dữ liệu nghiên cứu của C3S cũng cho thấy, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 10 tháng đầu năm 2024 cao hơn 0,71 độ C so với mức cơ sở 1991-2020, đánh dấu mức cao nhất từng được ghi nhận.

Theo C3S, tháng 10/2024 đã ghi nhận nhiệt độ cao hơn 1,65 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp, đánh dấu tháng thứ 15 trong giai đoạn 16 tháng mà nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu vượt quá 1,5 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp và cũng là một ngưỡng quan trọng do Thỏa thuận Paris đặt ra để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Với nhiệt độ năm 2023 cao hơn 1,48 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp, C3S dự đoán rằng nhiệt độ trung bình vào năm 2024 sẽ cao hơn 1,5 độ C so với mức trước thời kỳ công nghiệp và có khả năng vượt quá 1,55 độ C.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã cảnh báo rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu không nên tăng cao hơn 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp để ngăn ngừa các điều kiện thời tiết cực đoan tác động nghiêm trọng tới đời sống con người.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến hiện tượng thời tiết trái đất ấm lên đáng kể, kèm theo những tác động khủng khiếp từ các đợt nắng nóng liên tiếp, hạn hán và lũ lụt và bão chưa từng có.

Các nhà nghiên cứu cũng đã đúc kết rằng cách thức nông dân có thể trồng trọt lương thực đã bắt đầu thay đổi và với mức tăng nhiệt nền nhiệt trong ngưỡng từ 1,5 đến 2 độ C, năng suất nông nghiệp sẽ giảm, trong khi mực nước biển có thể dâng cao tới hơn 3m. Theo cảnh báo của giới chuyên gia, biến đổi khí hậu sẽ khiến các đại dương trở nên ấm hơn, gia tăng sức mạnh hủy diệt của các cơn bão, đồng thời đe dọa các hệ sinh thái cơ bản giúp bảo vệ các khu vực khỏi hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Phó Giám đốc C3S – bà Samantha Burgess cảnh báo xu hướng này đang cho thấy "một cột mốc mới trong hồ sơ nhiệt độ toàn cầu". Thực tế này cũng thúc giục chúng ta đưa ra những hành động phù hợp trước thềm Hội nghị Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc sắp diễn ra tại Baku, Azerbaijan./.

Theo dangcongsan.vn