Cả Israel và Iran bên đều hiểu rằng một cuộc chiến trực tiếp sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho cả hai, nhưng những hành động khiêu khích và chiến lược quân sự mới có thể dẫn đến một cuộc xung đột rộng lớn hơn.
Tên lửa Iran được phóng trong một cuộc diễn tập quân sự ở miền Nam nước này ngày 19/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN |
Tình hình hiện tại giữa Iran và Israel đang ở trong trạng thái căng thẳng nghiêm trọng, với nguy cơ bùng nổ một cuộc chiến tranh toàn diện ngày càng cao. Các nhà phân tích quốc tế, bao gồm Fyodor Lukyanov và Tiến sĩ Majid Rafizadeh, đã đưa ra quan điểm về vấn đề này này, nhấn mạnh các yếu tố chính dẫn đến khả năng xảy ra xung đột quy mô lớn.
Fyodor Lukyanov, Tổng biên tập tờ Russia in Global Affairs, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại và Quốc phòng, kiêm Giám đốc nghiên cứu của Câu lạc bộ Thảo luận Quốc tế Valdai (Nga) ngày 12/8 nhận định với kênh RT rằng, tình hình Trung Đông hiện nay đang bị mắc kẹt trong một nghịch lý: cả Iran và Israel đều không thể đạt được mục tiêu của mình mà không gây ra hậu quả nghiêm trọng cho chính mình. Khu vực Trung Đông nhỏ và nhạy cảm, khiến bất kỳ hành động nào của hai bên cũng có thể phản tác dụng một cách bất ngờ. Sự đan xen phức tạp của các vấn đề khu vực khiến việc giải quyết chúng trở nên cực kỳ khó khăn.
Israel đang theo đuổi một chính sách cứng rắn nhằm định hình lại toàn bộ bối cảnh an ninh khu vực. Trong khi đó, Iran, với vai trò là một cường quốc mới nổi, đang sử dụng các nhóm dân quân trong khu vực để mở rộng ảnh hưởng của mình. Cả hai bên đều biết rằng một cuộc đụng độ trực tiếp toàn diện không phải là giải pháp khả thi. Thay vào đó, họ duy trì một chính sách “bên miệng hố chiến tranh” với các hành động khiêu khích nhưng không vượt qua các "ranh giới đỏ".
Về phần mình, Tiến sĩ Majid Rafizadeh, nhà khoa học chính trị người Mỹ gốc Iran được đào tạo tại Harvard, nhận định trên tờ Arab News rằng, sự gia tăng các cuộc tấn công trực tiếp giữa Iran và Israel có thể đánh dấu sự chấm dứt của một thời kỳ xung đột gián tiếp thông qua các lực lượng ủy nhiệm. Cụ thể, sau các cuộc tấn công trả đũa trực tiếp vào tháng 4 năm nay, truyền thống xung đột gián tiếp thông qua lực lượng ủy nhiệm và chiến tranh ngầm giữa hai quốc gia dường như đã chấm dứt. Sự chuyển hướng này hướng tới đối đầu trực tiếp giữa hai bên, làm gia tăng nguy cơ xảy ra chiến tranh toàn diện.
Một yếu tố quan trọng khác trong bối cảnh hiện tại là sự thay đổi chính trị ở Mỹ. Trước khi Tổng thống Joe Biden rút khỏi cuộc đua tái tranh cử, ông đã khuyến khích Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kiềm chế các hành động có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh khu vực. Tuy nhiên, với việc Tổng thống Biden rời cuộc đua, Thủ tướng Netanyahu có thể cảm thấy có động lực để thực hiện các hành động quyết liệt hơn đối với Iran, vì không còn áp lực từ Mỹ. Điều này có thể dẫn đến việc Israel áp dụng lập trường kiên quyết hơn và sẵn sàng giải quyết các mối quan ngại an ninh vốn kéo dài với Iran.
Nhà phân tích trên cũng cho rằng ông Netanyahu có thể đang tìm cách đối đầu trực tiếp với Iran, thay vì chỉ giao tranh với các lực lượng thân Tehran như Hezbollah và Houthi. Điều này có khả năng kéo Mỹ vào cuộc xung đột, dù nước này không muốn tham gia vào một cuộc chiến tranh khác ở Trung Đông. Nếu Israel quyết định đối đầu trực tiếp với Iran, vấn đề có thể làm thay đổi đáng kể bối cảnh địa chính trị và buộc Mỹ phải xem xét lại các ưu tiên và cam kết chiến lược trong khu vực.
Từ quan điểm của Iran, các cuộc tấn công trả đũa nhằm vào Israel có thể là một cách để duy trì vị thế của mình sau vụ ám sát thủ lĩnh chính trị Hamas ngay tại Tehran. Iran muốn thể hiện sức mạnh với các đồng minh khu vực của mình, khẳng định ảnh hưởng trên cả đấu trường khu vực và toàn cầu.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Rafizadeh lưu ý Iran có thể muốn tránh một cuộc chiến toàn diện vì nhiều lý do: Nền kinh tế khó khăn, với lạm phát và thất nghiệp cao, không đủ khả năng duy trì một cuộc chiến tranh toàn diện. Hơn nữa, chế độ trừng phạt của phương Tây đã làm tê liệt khả năng tài trợ các hoạt động quân sự dài hạn của Iran. Các cuộc biểu tình lan rộng cũng làm tăng áp lực đối với chính phủ, khiến việc tham gia vào một cuộc chiến lớn trở nên khó khăn hơn.
Tóm lại, mặc dù tình hình hiện tại đang dẫn đến gia tăng xung đột, việc xảy ra một cuộc chiến tranh toàn diện giữa Iran và Israel còn phụ thuộc vào hành động và phản ứng của cả hai quốc gia trong những ngày và tuần tới. Các quyết định của Israel trong việc đáp trả các hành động của Iran sẽ là yếu tố quyết định trong việc xác định xem tình hình có leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện hay không.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin