12:58, 18/08/2024

Leo thang xung đột đe dọa tiến trình chuyển đổi chính trị ở Libya

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, giới phân tích trong khu vực cho rằng giao tranh tái diễn ở Libya đã làm dấy lên những lo ngại về cuộc xung đột rộng lớn hơn, đe dọa tiến trình chuyển đổi chính trị do Liên hợp quốc (LHQ) bảo trợ và đẩy đất nước bị chiến tranh tàn phá này vào tình trạng hỗn loạn nghiêm trọng hơn.
 

Lực lượng Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) trong cuộc giao tranh với Lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) tại Tripoli. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Lực lượng Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) trong cuộc giao tranh với Lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) tại Tripoli. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN


Với 6,8 triệu dân, Libya đã phải vật lộn để phục hồi từ cuộc xung đột kéo dài nhiều năm sau cuộc chính biến lật đổ Tổng thống  Muammar Gaddafi năm 2011. Quốc gia Bắc Phi này vẫn bị chia rẽ giữa một chính phủ được LHQ công nhận có trụ sở ở Tripoli và một chính quyền đối địch ở miền Đông được lực lượng quân đội của Tướng Khalifa Haftar hậu thuẫn.

Mặc dù tình hình tương đối yên bình đã trở lại trong những năm gần đây, các cuộc đụng độ vẫn thường xuyên nổ ra giữa nhiều nhóm vũ trang ở Libya. Hồi đầu tháng này, 9 người đã thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương trong cuộc giao tranh ở Đông Tripoli giữa hai nhóm vũ trang có quan hệ với Chính phủ Thống nhất Quốc gia Libya (GNU) được LHQ công nhận của Thủ tướng Abdulhamid Dbeibah.

Ngày 17/8, một nhóm chiến binh đã bao vây trụ sở Ngân hàng trung ương Libya tại thủ đô Tripoli nhằm ép buộc Thống đốc Seddik Al-Kabir từ chức. Đại sứ Mỹ tại Tripoli Richard Norland nhấn mạnh những nỗ lực nhằm lật đổ ông Al-Kabir là "không thể chấp nhận được", đồng thời cảnh báo việc thay thế ông bằng vũ lực có thể khiến Libya mất quyền tiếp cận thị trường tài chính quốc tế. Trên cương vị Thống đốc Ngân hàng trung ương Libya từ năm 2012, ông Al-Kabir đã phải đối mặt với những lời chỉ trích ngay từ những nhân vật thân cận với Thủ tướng Dbeibah về vấn đề quản lý tài nguyên dầu mỏ và ngân sách nhà nước. Theo ông Norland, cuộc đối đầu ở Tripoli đã nêu bật những rủi ro do bế tắc chính trị ở Libya gây ra.

Ông Khaled Al-Montasser, Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Tripoli, cho rằng những động thái gần đây của Quốc hội ở miền Đông Libya cho thấy một số đảng phái muốn gây sức ép buộc cộng đồng quốc tế phải đạt được một thỏa thuận mới về vấn đề quản lý đất nước Libya. Quốc hội Libya, đóng tại thành phố miền Đông Tobruk, ngày 6/8 tuyên bố chính phủ ở Tripoli là bất hợp pháp, đồng thời tước bỏ vai trò tư lệnh cấp cao Lực lượng vũ trang Libya của Hội đồng Tổng thống. Vai trò này được thiết lập theo thỏa thuận chuyển tiếp do LHQ làm trung gian vào năm 2021.

Giáo sư Montasser nhấn định quyết định ngày 6/8 của Quốc hội Libya là thông điệp gửi đến cộng đồng quốc tế chứ không phải người dân Libya nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán mới. Ông Montasser cho rằng thỏa thuận năm 2021 là "thất bại chính trị hoàn toàn do tất cả các bên liên quan gây ra".

Từ tháng 4/2019 đến 6/2020, các lực lượng liên kết với Tướng Haftar cố gắng chiếm giữ Tripoli nhưng đã thất bại sau các cuộc giao tranh đẫm máu. Sau lệnh ngừng bắn, một thỏa thuận do LHQ làm trung gian đã được ký kết tại Geneva (Thụy Sĩ) nhằm thiết lập các thể chế tạm thời khi các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống được lên kế hoạch. Các cuộc bầu cử quốc gia của Libya dự kiến ban đầu diễn ra vào tháng 12/2021 nhưng đã bị hoãn vô thời hạn do bất đồng về khuôn khổ pháp lý.

Căng thẳng gần đây đã gia tăng, sau khi quân đội ở miền Đông di chuyển về phía Tây Nam Libya, một khu vực nằm dưới sự kiểm soát của GNU. Lực lượng do Tướng Saddam Haftar, con trai út của Tướng Haftar, chỉ huy cho biết việc điều động quân đội chỉ nhằm mục đích bảo vệ khu vực biên giới phía Nam và đảm bảo an ninh ở những khu vực họ kiểm soát.

Nhà phân tích chính trị Libya Abdallah Al-Rayes đánh giá nếu đối thoại và hòa giải chính trị thất bại, lựa chọn quân sự sẽ một lần nữa nhắm vào Tripoli và đây sẽ là cuộc chiến công khai giữa các phe phái ở Libya.

Theo TTXVN