20:17, 01/08/2024

ASEAN có thể vượt Trung Quốc về tăng trưởng GDP và đầu tư nước ngoài

Trong 10 năm tới, khu vực Đông Nam Á nhờ lợi thế về nhân khẩu học và sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, có thể vượt Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng kinh tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cảng quốc tế Gemalink, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)
Cảng quốc tế Gemalink, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo báo cáo Triển vọng Đông Nam Á 2024-2034 do tổ chức phi lợi nhuận Angsana Council, công ty tư vấn Bain & Co. của Mỹ và DBS Bank của Singapore công bố ngày 1/8, Đông Nam Á có thể vượt Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng kinh tế và đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 10 năm tới, nhờ lợi thế về nhân khẩu học và sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu.

Báo cáo dự báo mức tăng trưởng trung bình năm của 6 nền kinh tế chủ chốt trong khu vực là Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam sẽ đạt 5,1% cho đến năm 2034. Tốc độ tăng trưởng này vượt so với mức tăng trưởng dự báo 3,5-4,5% của Trung Quốc trong cùng kỳ.

Việt Nam được dự báo sẽ dẫn đầu với mức tăng trưởng cao nhất là 6,6%, tiếp đến là Philippines với 6,1%. Kinh tế Singapore ước tính sẽ tăng trưởng khiêm tốn hơn, ở mức 2,5%, thấp nhất trong 6 nền kinh tế nói trên.

Ông Charles Ormiston, đối tác tư vấn tại Bain và là Chủ tịch Angsana Council, nêu bật tốc độ tăng trưởng trong nước mạnh và việc đa dạng hóa sản xuất ra ngoài Trung Quốc là những động lực chính.

Báo cáo cũng nhận định tăng trưởng đầu tư nước ngoài ở Đông Nam Á sẽ vẫn mạnh. Trong năm 2023, 6 nền kinh tế đã thu hút 206 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vượt so với 42,7 tỷ USD của Trung Quốc lần đầu tiên trong một thập kỷ.

Xu hướng này được cho là sẽ kéo dài, với Trung Quốc có thể trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Đông Nam Á.

Theo Ban Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Mỹ là nguồn FDI lớn nhất của khu vực vào năm 2022, với 37 tỷ USD, chiếm 16,5% tổng FDI.

Nhật Bản đứng ở vị trí thứ hai với 27 tỷ USD, trong khi Trung Quốc đứng ở vị trí thứ ba với 15 tỷ USD.

Trong số 6 nền kinh tế trên, Singapore đứng đầu với FDI bình quân đầu người cao nhất, trong khi Indonesia và Philippines là thấp nhất. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng FDI tại hai nước này trong giai đoạn 2018-2022 là cao nhất.

Malaysia có tốc độ tăng trưởng FDI thấp nhất, nhưng cam kết thực hiện các nỗ lực để đảo ngược xu hướng này.

Mặc dù GDP thực tế của Trung Quốc dự báo đạt 154.000 tỷ nhân dân tệ (21.000 tỷ USD) vào năm 2034, gấp khoảng 5 lần so với tổng GDP của 6 nền kinh tế Đông Nam Á nói trên, song đầu tư chiến lược của khu vực sẽ đưa đến tốc độ tăng trưởng đáng chú ý.

Báo cáo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào các lĩnh vực mới nổi, việc phát triển các hệ sinh thái khởi nghiệp và tăng cường các thị trường vốn.

Trong số các lĩnh vực tăng trưởng mới hơn, Thái Lan và Indonesia đang nổi lên như những trung tâm khu vực cho chuỗi cung ứng xe điện.

Malaysia, Singapore và Việt Nam đang mở rộng sản xuất chất bán dẫn trên các bộ phận khác nhau của chuỗi giá trị, trong bối cảnh đầu tư vào trung tâm dữ liệu trong khu vực đang gia tăng.

Theo TTXVN