Mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Nga và Triều Tiên có thể thúc đẩy Hàn Quốc đi theo con đường hạt nhân.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un ký hiệp ước về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước ngày 19/6/2024. Ảnh: Yonhap/TTXVN |
Sau khi Nga và Triều Tiên ký hiệp ước song phương, cơ quan cố vấn của Chính phủ Hàn Quốc đã khuyến nghị Seoul xem xét việc xây dựng kho vũ khí hạt nhân của riêng mình. Trong một báo cáo, Viện Chiến lược An ninh Quốc gia Hàn Quốc đưa ra một số lựa chọn, bao gồm việc tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ, trao đổi vũ khí hạt nhân với các đối tác theo hướng dẫn của NATO và phát triển “khả năng hạt nhân” của riêng mình. Báo cáo đã gây ra tranh cãi trên các phương tiện truyền thông và giữa các nhà lập pháp Hàn Quốc, theo tờ Nezavisimaya Gazeta (Nga) ngày 27/6.
Nghị sĩ Na Kyung Won cho biết bà sẽ ủng hộ phương án hạt nhân, tức là bà sẽ tuyên bố đây là chính sách chính thức của Đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền nếu giành chiến thắng trong cuộc đua vào chức vụ lãnh đạo đảng này. Bà lưu ý rằng sẽ “tham khảo ý kiến” với Mỹ về vấn đề này.
Trong khi đó, Han Dong Hoon, người được coi là ứng cử viên hàng đầu cho cương vị lãnh đạo đảng cầm quyền, cho biết lựa chọn hạt nhân đáng để cân nhắc vì chỉ những quốc gia có đủ sức mạnh để ứng phó với mối đe dọa bên ngoài mới có thể tồn tại. Đặc biệt, ông đưa ra hai lập luận ủng hộ ý tưởng này. Thứ nhất, không nên dựa hoàn toàn vào Mỹ; thứ hai, Nhật Bản cũng đang tính tới khả năng xây dựng lực lượng hạt nhân của riêng mình.
Allison Hooker, người từng phục vụ trong Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, nói rằng mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Nga và Triều Tiên có thể thúc đẩy Hàn Quốc đi theo con đường hạt nhân.
Về phần mình, Alexander Vorontsov, Trưởng khoa Nghiên cứu Hàn Quốc và Mông Cổ tại Viện Nghiên cứu Phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, nêu quan điểm: "Công chúng và các chuyên gia Hàn Quốc từ lâu đã thảo luận về vũ khí hạt nhân, và có những thế lực thúc đẩy ý tưởng này. Nhưng họ không nói với người dân về những hậu quả tiềm tàng của một bước đi như vậy, vì điều đó sẽ liên quan đến việc rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân và khả năng áp đặt lệnh trừng phạt đối với quốc gia này".
"Vì vậy, các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy mức độ ủng hộ khá cao đối với ý tưởng trên. Vào tháng 1 năm nay, Tổng thống [Hàn Quốc] Yoon Suk Yeol cho biết ông không loại trừ một kịch bản như vậy", chuyên gia Vorontsov lưu ý.
Theo Korea Times, mối quan hệ ngày càng sâu sắc giữa Nga và Triều Tiên, được quy định trong thoả thuận mở rộng quan hệ quân sự, đã "đổ thêm dầu" vào cuộc tranh luận rằng Hàn Quốc nên sở hữu bom hạt nhân của riêng mình. Đồng thời, những người ủng hộ lựa chọn hạt nhân đề cập đến thực tế là thỏa thuận về quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Nga và Triều Tiên quy định việc cung cấp hỗ trợ quân sự trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vào một trong những quốc gia này. Các chuyên gia ở Hàn Quốc thậm chí còn cho rằng thỏa thuận này đồng nghĩa với việc Nga công nhận tình trạng hạt nhân của Triều Tiên.
Mỹ đã loại bỏ vũ khí hạt nhân chiến thuật khỏi Bán đảo Triều Tiên vào năm 1991. Kể từ đó, Hàn Quốc duy trì tình trạng phi hạt nhân của mình, dựa vào cam kết của Mỹ trong việc bảo vệ đồng minh châu Á bằng mọi cách, bao gồm cả vũ khí hạt nhân. Những lập luận về việc Hàn Quốc sở hữu vũ khí hạt nhân hoặc sở hữu vũ khí hạt nhân chiến thuật từ Mỹ đã được bàn luận từ lâu. Và sau khi Liên bang Nga và Triều Tiên ký kết thỏa thuận quân sự mới, những bình luận như vậy bắt đầu vang dội hơn.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin