Nguồn ngân sách mới cho phép Bộ Quốc phòng Mỹ nhanh chóng công bố gói viện trợ mới trị giá 1 tỷ USD dành cho Ukraine - bao gồm xe bọc thép, đạn cho các hệ thống phòng không, pháo binh, chống tăng...
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp tại Nhà Trắng, Washington DC., ngày 12/12/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/4 đã ký ban hành luật cho phép viện trợ quân sự bổ sung cho Ukraine.
Ngay sau sự kiện này, Lầu Năm Góc đã nhanh chóng công bố gói viện trợ trị giá 1 tỷ USD dành cho Kiev, trong đó chú trọng tới nhu cầu cấp thiết về đạn dược phòng không và đạn pháo của Ukraine.
Phát biểu với báo giới sau khi ký ban hành luật, Tổng thống Biden khẳng định những chuyến hàng viện trợ sẽ “lập tức bắt đầu trong vài giờ tới.”
Theo ông, luật mới sẽ cung cấp “sự hỗ trợ sống còn cho các đối tác của Mỹ để họ có thể tự vệ.”
Nguồn ngân sách mới đã cho phép Bộ Quốc phòng Mỹ nhanh chóng công bố gói viện trợ mới trị giá 1 tỷ USD dành cho Ukraine - bao gồm xe bọc thép, đạn dành cho các hệ thống phòng không Stinger, đạn bổ sung cho các Hệ thống rocket pháo binh cơ động cao (HIMARS), đạn pháo 155mm, đạn dành cho các hệ thống chống tăng TOW và Javelin, cũng như các loại vũ khí khác có thể lập tức đưa vào sử dụng trên chiến trường.
Trước đó, tối 23/4 (theo giờ Mỹ, tức sáng 24/4 giờ Việt Nam), với 79 phiếu thuận và 18 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua gói viện trợ bổ sung được chờ đợi lâu nay cho Ukraine, Israel cùng một số quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Gói viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD trên bao gồm 61 tỷ USD dành cho Ukraine, 13 tỷ USD cho Israel và hơn 9 tỷ USD dành cho viện trợ nhân đạo tới Gaza, Sudan và Haiti cùng một loạt các hạng mục an ninh quốc gia.
Bên cạnh đó, dự luật này còn bao gồm lệnh cấm tiềm tàng đối với mạng xã hội TikTok.
Trong gói hỗ trợ Ukraine, gần 14 tỷ USD sẽ được chi cho hoạt động đào tạo, trang bị phục vụ các nhu cầu của quân đội Ukraine.
Kiev cũng sẽ nhận được 10 tỷ USD dưới dạng “các khoản vay có thể miễn hoặc hoãn trả” để hỗ trợ kinh tế và ngân sách Ukraine, trong đó có hỗ trợ cho ngành năng lượng và khôi phục cơ sở hạ tầng.
Gói viện trợ bổ sung này đã được Hạ viện Mỹ thông qua hôm 20/4.
Sự kiện Tổng thống Biden ký ban hành luật viện trợ bổ sung đã chấm dứt quá trình đàm phán, thương lượng chông gai kéo dài hơn 6 tháng giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin