Reuters dẫn nguồn tin Chính phủ Israel cho biết, ngày 16/4, Thủ tướng Benjamin Netanyahu triệu tập cuộc họp nội các thời chiến lần thứ hai chỉ trong chưa đầy 24 giờ, nhằm thảo luận về phản ứng với cuộc tấn công của Iran nhằm vào Israel hôm 13/4. Tổng Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) Herzi Halevi tuyên bố, nước này sẽ có hành động đáp trả, song không nêu kế hoạch chi tiết.
Hệ thống chống tên lửa của Israel kích hoạt phản ứng sau khi Iran phóng máy bay không người lái và tên lửa về phía Israel, nhìn từ Ashkelon, Israel, ngày 14/4/2024. (Ảnh: Reuters) |
Ngăn căng thẳng leo thang
Trong cuộc điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Iran về hoạt động quân sự của Iran, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres hoan nghênh việc Iran ngừng các hoạt động tiếp theo chống Israel. Ông Guterres đồng thời kêu gọi Israel không thực hiện bất kỳ hành động trả đũa nào nhằm giảm bớt căng thẳng trong khu vực, thiết lập hòa bình và ngăn chặn bạo lực lan rộng.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh, Mỹ muốn ngăn xung đột ở Trung Đông lan rộng, nhưng sẽ bảo vệ đồng minh Israel. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Nhà trắng John Kirby tuyên bố, Mỹ không muốn chứng kiến một cuộc chiến tranh với Iran.
Nga bày tỏ quan ngại về tình hình ở khu vực Trung Đông sau vụ tấn công của Iran, đồng thời kêu gọi các nước trong khu vực kiềm chế. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, căng thẳng tiếp tục leo thang không có lợi cho bên nào và mọi bất đồng nên được giải quyết bằng biện pháp ngoại giao.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, Pháp sẽ cố gắng thuyết phục Israel không trả đũa Iran, tránh leo thang căng thẳng tại Trung Đông. Ông Macron cũng cho rằng, các nước trong khu vực nên gia tăng áp lực đối với các hoạt động hạt nhân tại Iran.
Indonesia kêu gọi Iran và Israel kiềm chế, thúc giục Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc hành động kịp thời nhằm ngăn chặn xung đột lan rộng. Indonesia cũng nhấn mạnh việc giải quyết một cách công bằng đối với vấn đề Palestine và hiện thực hóa giải pháp hai nhà nước là chìa khóa để duy trì ổn định khu vực.
Quốc vương Jordan Abdullah bày tỏ quan ngại diễn biến hiện nay ở Trung Đông có thể khiến xung đột leo thang, đe dọa an ninh và ổn định trong khu vực. Tại cuộc gặp Tổng thống Iraq Abdul Latif Rashid tại thủ đô Amman, Quốc vương Jordan và ông Tổng thống Rashid nhấn mạnh sự cần thiết chấm dứt xung đột ở Dải Gaza cũng như tình trạng bạo lực trong khu vực.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho rằng, tình hình khu vực Trung Đông đang rất nguy hiểm, đồng thời kêu gọi Israel và Iran giảm căng thẳng. Theo ông Borrell, Israel có thể phản ứng trước cuộc không kích chưa từng có của Iran nhằm vào Israel, song không khiến xung đột leo thang.
Cần một lệnh ngừng bắn ở Gaza
Trong chuyến thăm Tây Ban Nha, Thủ tướng Bồ Đào Nha Luis Montenegro và người đồng cấp nước chủ nhà Pedro Sanchez kêu gọi các bên ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza, đồng thời hướng tới một giải pháp lâu dài vì hòa bình ở khu vực.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al Thani ngày 15/4 có cuộc điện đàm và trao đổi về quan hệ song phương, các vấn đề khu vực và toàn cầu, trong đó có tình hình xung đột và hoạt động viện trợ nhân đạo ở Gaza. Ông Erdogan nhấn mạnh việc tăng cường nỗ lực của các nước Hồi giáo nhằm ngăn chặn xung đột ở Gaza lan ra khu vực.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller cho biết, Mỹ tiếp tục thúc đẩy thỏa thuận cho phép ngừng bắn kéo dài ít nhất sáu tuần và tăng cường viện trợ vào Gaza. Trước đó, Hamas nhấn mạnh yêu cầu về một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và Israel rút quân khỏi Gaza.
Trong cuộc họp với Điều phối viên cấp cao Liên hợp quốc về nhân đạo và tái thiết tại Gaza Sigrid Kaag, Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry nhấn mạnh, giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Gaza cần một lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài, cũng như cung cấp viện trợ đầy đủ. Bà Kaag khẳng định, Liên hợp quốc cam kết tiếp tục phối hợp với Ai Cập nhằm chuyển hàng viện trợ tới Gaza.
Theo nhandan.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin