20:56, 12/03/2024

Thái Lan mở rộng cánh cửa hợp tác kinh tế

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đang công du châu Âu, với một trong những mục tiêu trọng tâm là thúc đẩy ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh châu Âu (EU). Bangkok đang nỗ lực mở thêm nhiều cánh cửa hợp tác kinh tế thông qua các FTA, nhằm thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư và củng cố nền kinh tế.
 

Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin. Nguồn: AFP/TTXVN
Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin. Nguồn: AFP/TTXVN


Điểm đến của ông Srettha Thavisin trong chuyến công du châu Âu đầu tiên trên cương vị Thủ tướng Thái Lan là Đức và Pháp, hai nền kinh tế hàng đầu EU đồng thời là những nước thành viên có tiếng nói quan trọng trong Liên minh Cờ xanh. Chuyến thăm kéo dài một tuần với chương trình nghị sự dày đặc. Bên cạnh những cuộc làm việc với lãnh đạo cấp cao hai nước, người đứng đầu Chính phủ Thái Lan còn gặp gỡ đại diện doanh nghiệp các ngành hàng không, ô-tô, du lịch, thời trang, bán lẻ của Đức và Pháp.

Lịch trình của Thủ tướng Srettha Thavisin cho thấy, tăng cường hợp tác kinh tế là trọng tâm của chuyến công du lần này. Theo người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Chai Wacharonke, thúc đẩy ký kết FTA Thái Lan-EU là một trong những mục tiêu chính.

Tiến trình đàm phán FTA Thái Lan-EU được khởi động từ năm 2013, song bị đình trệ do cuộc đảo chính ở Thái Lan năm 2014. Sau một thập niên gián đoạn, đến năm 2023, các cuộc đàm phán mới được khởi động lại. EU là đối tác thương mại lớn thứ tư của Thái Lan. Kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều năm 2023 đạt hơn 41 tỷ USD.

Vì vậy, FTA với EU có ý nghĩa quan trọng đối với nền kinh tế Thái Lan, khi mở đường cho các doanh nghiệp nước này tiếp cận sâu hơn vào thị trường rộng lớn với hơn 400 triệu dân của EU. Bangkok kỳ vọng, tiến trình đàm phán sẽ cán đích vào năm 2025, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho hợp tác thương mại giữa hai bên.

Mở rộng cánh cửa hợp tác thương mại, đầu tư thông qua các FTA là một trong những chính sách phát triển kinh tế then chốt của Chính phủ Thủ tướng Srettha Thavisin. Ông Srettha Thavisin từng nhiều lần nhấn mạnh, sự tham gia hạn chế của Thái Lan trong các cuộc đàm phán FTA khiến nước này chậm chân so với các đối thủ cạnh tranh.

Trong chuyến thăm chính thức Sri Lanka của Thủ tướng Srettha Thavisin tháng 2 vừa qua, hai nước đã ký FTA nhằm tạo thuận lợi hơn cho quan hệ thương mại, đầu tư song phương. Đây là FTA đầu tiên được ký trong nhiệm kỳ của Chính phủ Thủ tướng Srettha Thavisin và là FTA thứ 15 của Thái Lan.

Ngoài ra, theo Cục Đàm phán Thương mại Thái Lan, nước này dự kiến kết thúc đàm phán và đi đến ký kết FTA với Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), gồm bốn nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein, vào cuối năm nay.

Bộ Thương mại kỳ vọng các FTA sẽ làm tăng GDP và kim ngạch xuất khẩu của Thái Lan thêm lần lượt 1,3% và 3,9% trong 5 năm tới, đồng thời tạo ra hơn 200.000 việc làm cho người dân nước này.

Giới phân tích nhận định, thúc đẩy đàm phán các FTA là bước đi cần thiết để Thái Lan đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài. Xuất khẩu được xem là động lực chính của nền kinh tế Thái Lan nhưng nhu cầu toàn cầu yếu đã khiến thương mại trì trệ trong những tháng gần đây.

Kinh tế chỉ tăng trưởng 1,8% trong năm ngoái, giảm từ mức 2,6% vào năm 2022, chủ yếu do lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu bị thu hẹp. Hội đồng Chủ hàng quốc gia Thái Lan (TNSC) dự báo, giá trị xuất khẩu của nước này sẽ chỉ tăng 1% đến 2% trong năm 2024.

Những bước đi tích cực và chủ động của Thái Lan để thúc đẩy quan hệ với các đối tác diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước này cần thêm những cú huých. Thái Lan kỳ vọng, cơ hội hợp tác mới đến từ các FTA sẽ tạo động lực giúp quốc gia Đông Nam Á hiện thực hóa các mục tiêu phát triển trong thời gian tới.

Theo nhandan.vn