Tổng Giám đốc IAEA Grossi khẳng định việc xả thải chỉ là giai đoạn đầu của một quá trình lâu dài, đồng thời tái khẳng định lập trường của IAEA về việc duy trì thận trọng trong suốt quá trình này.
Các bể chứa nước thải nhiễm xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Okuma, tỉnh Fukushima, Nhật Bản, ngày 20/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Ngày 13/3, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) Rafael Grossi nhấn mạnh tổ chức này sẽ tiếp tục nỗ lực giám sát việc Nhật Bản xả nước thải nhiễm phóng xạ đã qua xử lý từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra biển.
Người đứng đầu IAEA nhắc lại cam kết trên khi ông gặp ngư dân địa phương tại thành phố Iwaki trong chuyến thăm kéo dài 3 ngày đến Nhật Bản.
Theo ông Grossi, việc xả thải chỉ là giai đoạn đầu của một quá trình lâu dài cần nhiều nỗ lực. Ông Grossi cũng nhấn mạnh vai trò của IAEA với tư cách là bên giám sát độc lập, đồng thời tái khẳng định lập trường của tổ chức về việc duy trì thận trọng trong suốt quá trình này.
Đây là chuyến thăm Nhật Bản đầu tiên của ông Grossi kể từ khi hoạt động xả thải ra biển bắt đầu vào tháng 8/2023. Dự kiến, ông Grossi sẽ đến thăm Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 để đánh giá tình trạng xả thải vào chiều cùng ngày.
Vào tháng 7/2023, IAEA đã đệ trình báo cáo kết luận rằng việc xả thải phù hợp với các tiêu chuẩn an toàn toàn cầu và có "tác động phóng xạ không đáng kể đến con người và môi trường."
Tính đến nay, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã thực hiện 4 đợt xả nước nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ra đại dương, sau khi được xác nhận là đáp ứng ngưỡng phóng xạ theo tiêu chuẩn quốc tế, với tổng cộng khoảng 31.150 tấn nước thải đã qua xử lý phóng xạ.
Đợt xả mới nhất bắt đầu từ ngày 28/2 với 7.800 tấn nước được xả trong 17 ngày.
Như vậy, TEPCO đã hoàn tất việc xả thải theo kế hoạch đề ra ban đầu trong tài khóa 2023 là 31.200 tấn và dự kiến trong tài khóa 2024 sẽ xả khoảng 54.600 tấn nước đã qua xử lý phóng xạ.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin