Tổng thống Putin khẳng định trong thông điệp kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu, cuộc bầu cử "là một bước tiến tới tương lai," nơi người dân Nga thể hiện quyết tâm "tiến về phía trước cùng nhau."
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Moskva ngày 29/2/2024. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Có thể khẳng định sự kiện chính trị quan trọng nhất của nước Nga năm 2024 và có lẽ là trong 6 năm tới chính là cuộc bầu cử tổng thống lần thứ tám này.
Đây là lần đầu tiên cuộc bầu cử tổng thống diễn ra không phải chỉ trong một mà là 3 ngày, từ ngày 15-17/3, trong bối cảnh đặc biệt khi nước Nga phải đối mặt với hàng chục nghìn lệnh trừng phạt và phong tỏa của phương Tây liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine.
Bốn ứng cử viên đủ điều kiện để tham gia tranh cử lần này gồm có ông Leonid Slutsky thuộc đảng Dân chủ Tự do (LDPR), ông Nikolai Kharitonov của đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF), ông Vladislav Davankov của đảng “Những người Mới” và cuối cùng là Tổng thống đương nhiệm Vladimir Putin, người ứng cử với tư cách độc lập.
Đây là lần thứ năm ông Putin ra tranh cử tổng thống Liên bang Nga. Đương kim tổng thống không chỉ được dự báo nhiều khả năng sẽ đắc cử như 4 lần trước mà dường như mọi kỳ vọng cũng đổ dồn vào chính trị gia kỳ cựu này.
Giới chuyên gia nhận định việc thực hiện những biện pháp củng cố kinh tế, chính trị xã hội trước sức ép từ phương Tây, cũng như trước những biến động của tình hình quốc tế, là một trong những nguyên nhân Tổng thống Putin được dự báo sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lần này.
Sau hơn 2 năm xung đột, nền kinh tế Nga vẫn vững vàng và tăng trưởng ở mức khá.
Chính phủ Nga vẫn duy trì được sự ổn định của hệ thống tài chính; khuyến khích và bảo vệ các doanh nghiệp theo chính sách trọng cung để qua đó giúp nền kinh tế đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng 3,6% trong năm 2023, cao hơn cả những cam kết của chính phủ.
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Moskva, ông Sergei Baburin thuộc đảng Liên minh Toàn dân Nga, người đã rút khỏi cuộc đua vào Điện Kremlin, nêu rõ Tổng thống Putin đã chèo lái nền kinh tế Nga chống chọi với các lệnh trừng phạt của phương Tây, củng cố và phát huy sức mạnh nội lực. Nền kinh tế Nga đã mạnh hơn rất nhiều so với hai năm trước và "tháo ngòi nhiều quả bom hẹn giờ" của phương Tây.
Chủ tịch Đảng Liên minh Toàn dân Nga Sergey Baburin trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Liên bang Nga. (Nguồn: TTXVN) |
Cùng chung quan điểm, Tiến sỹ Ivan Timofeev, Tổng Giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC), nhấn mạnh Nga đã có thể duy trì sự ổn định tài chính, qua đó giúp nền kinh tế cũng ổn định. Việc một số lượng lớn các công ty phương Tây rút khỏi Nga lại khiến các doanh nghiệp Nga tìm được chỗ đứng mới, thể hiện được năng lực cạnh tranh, có thể thay thế doanh nghiệp nước ngoài trong một số ngành và thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Các nhà sản xuất Nga hiện cảm thấy tự tin hơn, chiếm lĩnh được thị trường nội địa, đảo chiều đà suy giảm năm 2022.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp và nền kinh tế Nga đã làm việc với tư duy cần phải hợp tác với các đối tác khác, đa dạng hóa quan hệ thương mại, nhờ đó thương mại của Nga đã chuyển hướng thực sự về phía Nam và phía Đông.
Theo ông Timofeev, những yếu tố đó giúp Tổng thống Putin nhận được sự ủng hộ cao ở trong nước.
Trước thềm cuộc bầu cử, Tổng thống Putin đã tiến hành hàng loạt chuyến công tác tới nhiều địa phương của đất nước, gặp gỡ và trò chuyện thẳng thắn với nhiều tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, hai tuần trước cuộc bầu cử, trong Thông điệp liên bang thường niên, ông đã đưa ra những cam kết đầy tham vọng trong vòng 6 năm tới đối với các lĩnh vực xã hội, kinh tế, phát triển và kinh doanh khu vực. Đây được coi là cương lĩnh tranh cử của nhà lãnh đạo này và đường hướng phát triển nước Nga trong những năm tới.
Tổng thống Putin cho biết sẽ tăng cường hỗ trợ cho những người dân có thu nhập thấp và tật nguyền, các gia đình đông con và gia đình có trẻ em, đồng thời phân bổ 1.000 tỷ ruble để hiện đại hóa hệ thống y tế.
Ông nhấn mạnh hiện vẫn còn 13,5 triệu người dân Nga sống dưới mức nghèo khổ và khoảng 30% các gia đình đông con đang gặp khó khăn về tài chính, yêu cầu giảm con số này xuống còn 12% vào năm 2030.
Nhà lãnh đạo nước Nga đã đưa ra một loạt chương trình trong lĩnh vực xã hội, đặc biệt là các khoản thế chấp ưu đãi và giảm thuế cho các gia đình có trẻ em.
Mức lương tối thiểu sẽ tăng từ 19.000 ruble hiện nay (khoảng 207 USD) lên 35.000 ruble (hơn 380 USD) vào năm 2030.
Tổng thống Putin cũng chỉ ra sự cần thiết phải thúc đẩy các sáng kiến khu vực và môi trường, doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường số hóa, tăng đầu tư vào nền kinh tế Nga, phát triển cơ sở hạ tầng thể thao, cải thiện trang thiết bị của các cơ sở giáo dục, đầu tư vào khoa học, xây dựng đường và đưa ra các biện pháp để cải thiện vận tải hàng không.
Tổng thống Putin tuyên bố khởi động dự án quốc gia “Sống thọ và năng động” đồng thời đặt ra nhiệm vụ tuổi thọ trung bình ở Nga đến năm 2030 phải ít nhất là 78 và sau đó là hơn 80 tuổi; triển khai chương trình toàn diện mới để bảo vệ quyền làm mẹ, bảo vệ sức khỏe trẻ em và thanh thiếu niên cũng như nâng cấp trường học và nhà trẻ.
Chính phủ Nga đặt mục tiêu tạo ra hàng nghìn việc làm mới trong lĩnh vực công nghệ cao trong 6 năm tới thông qua việc phát triển 100 công viên công nghệ, tăng 70% đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm.
Dù cho vòng vây cấm vận ngày càng siết chặt, Tổng thống Putin nêu rõ tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga năm 2023 cao hơn mức trung bình toàn cầu và cao hơn tất cả các nước thành viên Nhóm các nền công nghiệp phát triển (G7).
Có thể nói hình ảnh Tổng thống Putin trước cuộc bầu cử đã được thể hiện sinh động, cho thấy ông có lẽ là nhà lãnh đạo phù hợp nhất với nước Nga vào thời điểm hiện tại. Điều này cũng được thể hiện qua các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử.
Trong cuộc khảo sát cuối cùng trước thềm bầu cử, Trung tâm Nghiên cứu Dư luận xã hội toàn Nga (VTsIOM) cho biết ông Putin nhiều khả năng sẽ nhận được 82% số phiếu ủng hộ, vị trí thứ hai là hai ứng cử viên Kharitonov và Davankov, mỗi người nhận được 6% số phiếu, trong khi ứng cử viên Slutsky về thứ tư với 5% số phiếu ủng hộ.
Nhà lãnh đạo Putin đã 4 lần giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử tổng thống Nga. Năm 2000, ông đắc cử khi nhận được 52,94% phiếu bầu; năm 2004 ông về nhất với 71,31% số phiếu; tỷ lệ ủng hộ năm 2012 là 63,60% và năm 2018 ông đạt kỷ lục 76,69% số phiếu bầu.
Với nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 6 năm, cuộc bầu cử năm nay được đánh giá là cuộc trưng cầu ý dân về tương lai của nước Nga, và như Tổng thống Putin đã khẳng định trong thông điệp kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu, cuộc bầu cử "là một bước tiến tới tương lai," nơi người dân Nga thể hiện quyết tâm "tiến về phía trước cùng nhau".
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin