Ngày càng nhiều bệnh viện tại Mỹ yêu cầu đeo khẩu trang và hạn chế việc thăm bệnh nhân trong bối cảnh số ca mắc COVID-19, cúm và nhiều bệnh khác tăng vọt sau kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới.
Người dân đeo khẩu trang tại một điểm xét nghiệm COVID-19 ở New York, Mỹ, ngày 4/1/2022. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN |
Tuần qua, thành phố New York đã ban hành quy định đeo khẩu trang đối với 11 bệnh viện công tại đây. Những biện pháp tương tự đã được đưa ra tại một số bệnh viện ở thành phố Los Angeles và bang Massachusetts. Một số cơ sở y tế đã áp dụng trở lại các quy định đeo khẩu trang đối với nhân viên từ nhiều tháng trước, đề phòng nguy cơ lây nhiễm trong bối cảnh số bệnh nhân gia tăng theo mùa.
Mặc dù nhiều chuyên gia nhận định chiều hướng bệnh mùa này không quá nghiêm trọng như những mùa Đông gần đây, song cảnh báo khả năng vẫn có hàng trăm nghìn người phải nhập viện và hàng nghìn trường hợp tử vong trên cả nước. Số ca nhiễm cúm và COVID-19 đã gia tăng trong nhiều tuần, với tỷ lệ người bệnh có biểu hiện nhiễm cúm cao được ghi nhận tại 31 tiểu bang ngay trước Giáng sinh. Số liệu quốc gia cập nhật sẽ được công bố vào ngày 5/1, nhưng các quan chức y tế dự đoán số ca nhiễm bệnh sẽ gia tăng ở nhiều bang cho đến hết tháng 1 này.
Tiến sĩ Mandy Cohen, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, cho biết trong tuần đầu tiên của tháng 1/2024, số ca bệnh, đặc biệt là các trường hợp nhiễm cúm đang gia tăng. Bà Cohen dự báo số ca nhiễm cúm và mắc COVID-19 có thể đạt mốc cao đỉnh điểm vào cuối tháng này, sau đó giảm dần. Mặc dù dịch cúm đang gia tăng nhanh nhưng số ca mắc trong năm nay là do một chủng virus cúm không có độc lực mạnh như các chủng virus trước đây. Hơn nữa các dấu hiệu cho thấy vaccine cúm hiện nay đang phát huy hiệu quả phòng ngừa virus này.
Theo số liệu cập nhật của CDC, tính đến ngày 23/12/2023, khoảng 44% trong tổng số người trưởng thành tại Mỹ đã tiêm vaccine phòng cúm. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 19% người trưởng thành ở nước này đã tiêm mũi COVID-19 cập nhật tính đến đầu tháng 12 vừa qua.
Số ca mắc COVID-19 đang gây bệnh nặng hơn so với số ca nhiễm cúm, song hiện gia tăng không đáng kể. Các quan chức y tế vẫn tiếp tục theo dõi dòng phụ JN.1 của biến thể Omicron.
JN.1 được phát hiện lần đầu tiên tại Mỹ vào tháng 9 năm ngoái và trước Giáng sinh, số ca nhiễm biến thể này chiếm khoảng hơn 50% trong tổng số ca mắc COVID-19. Theo các chuyên gia y tế, dù có thể dễ dàng lây lan hơn, nói cách khác là có khả năng lẩn trốn hệ miễn dịch tốt hơn, nhưng hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy JN.1 là nguyên nhân gây bệnh nặng hơn so với các biến thể khác gần đây. Trong khi đó, các vaccine và thuốc kháng virus hiện vẫn phát huy tác dụng đối với biến thể này.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin