Việc Angola tuyên bố rời khỏi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tuy không làm ảnh hưởng đáng kể tới năng lực chi phối thị trường dầu thế giới của tổ chức nhưng lại làm bộc lộ vấn đề chia rẽ trong liên minh dầu mỏ quyền lực này.
Theo Sputniknews, Bộ trưởng Dầu mỏ Angola Diamantino Azevedo ngày 21-12 tuyên bố nước này quyết định rời khỏi OPEC, với lý do vai trò của Angola trong tổ chức này không còn phù hợp. Theo Bộ trưởng Azevedo, sự tham gia của Angola trong OPEC không còn phục vụ lợi ích đất nước nữa. Nếu Angola bị buộc phải cắt giảm sản lượng thì động thái đó sẽ đi ngược lại mục tiêu của nước này.
Dàn khoan dầu ngoài khơi của Angola. Ảnh: Getty |
Theo Bộ trưởng Azevedo, đối với Angola, đây không phải là một quyết định nhẹ nhàng nhưng “thời điểm đã đến”. Hồi tháng 11, văn phòng của Bộ trưởng Azevedo đã phản đối quyết định của OPEC về cắt giảm hạn ngạch khai thác dầu cho năm 2024. Vào thời điểm đó, đại diện của Angola tại OPEC là ông Estevao Pedro tuyên bố, Angola không có kế hoạch tuân theo một kế hoạch như vậy và nước này sẽ tiếp tục khai thác vượt mức hạn ngạch do OPEC đề ra. Thực tế, những bất đồng giữa Angola và OPEC bắt đầu từ tháng 6 năm nay khi nước này không chấp nhận yêu cầu từ phía Saudi Arabia-thành viên chủ chốt của OPEC về việc cắt giảm sản lượng khai thác cho năm 2024.
Ngoài ra, các nhà phân tích cho biết, Angola thời gian qua đã trở nên bất mãn với định hướng của OPEC và các đối tác bên ngoài (OPEC+), thường do các quốc gia hàng đầu trong liên minh đặt ra, cũng như thái độ thiếu quan tâm đến lập trường của các nhà sản xuất nhỏ hơn trong liên minh này.
Quyết định này được đưa ra trong bối cảnh OPEC đang nỗ lực kêu gọi các nước thành viên cắt giảm sản lượng khai thác để hỗ trợ giá dầu đang đà giảm mạnh trên thị trường thế giới. Angola gia nhập OPEC vào năm 2007 và là quốc gia sản xuất dầu lớn thứ hai ở châu Phi với sản lượng khai thác dầu đạt khoảng 1,1 triệu thùng mỗi ngày. Giới phân tích cho rằng, sự rời đi của Angola sẽ không có nhiều tác động đáng kể đến nguồn cung dầu do sản lượng của Angola chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với sản lượng khai thác 28 triệu thùng dầu mỗi ngày của OPEC. Tuy nhiên, động thái rời đi của Angola đặt ra dấu hỏi lớn về sự thống nhất của OPEC trong tương lai.
Sự ra đi của Angola khiến số thành viên của OPEC giảm xuống còn 12 quốc gia. Trước Angola cũng đã có một số thành viên khác của tổ chức này rời đi trong những năm gần đây vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có Qatar, Ecuador.
Việc Angola không đồng thuận với kế hoạch của OPEC đã cản trở ít nhiều nỗ lực của nhóm trong việc đạt được sự thống nhất chung trước mỗi quyết định liên quan tới sản lượng dầu. Chuyên gia Helima Croft, trước đây là nhà phân tích của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và hiện là người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của RBC Capital Markets, cho biết Angola là một trong những thành viên có lập trường thất thường và đã nhiều lần rời bỏ các cuộc họp của OPEC+ giữa chừng.
Quyết định ra đi của Angola được cho là đòn giáng mạnh vào OPEC nhưng sẽ không tác động đáng kể đến khả năng chi phối thị trường của tổ chức này. Theo ông Bjarne Schieldrop, nhà phân tích hàng hóa của Ngân hàng SEB, không nên coi sự ra đi của Angola là dấu hiệu của một vấn đề lớn hơn với OPEC+. Còn theo nhà phân tích hàng hóa Giovanni Staunovo của Ngân hàng UBS, giá dầu trên thị trường quốc tế vẫn giảm do lo ngại về sự đoàn kết của OPEC+, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy nhiều thành viên lớn hơn trong liên minh có ý định đi theo con đường của Angola.
Sau khi có thông tin Angola rời khỏi OPEC, giá dầu được ghi nhận chỉ giảm nhẹ. Theo giới phân tích, tín hiệu này cho thấy các nhà đầu tư không tin tác động từ quyết định rời OPEC của Angola là đáng kể. Quyết định đó chỉ củng cố thêm quan điểm hiện nay rằng có những vết nứt xuất hiện trong OPEC+, đe dọa việc tuân thủ các mức cắt giảm sản lượng đã thống nhất.
Cho dù thế nào, rõ ràng việc Angola tuyên bố sẽ rời khỏi OPEC cũng cho thấy bất đồng nội bộ trong bối cảnh tổ chức này đang tìm cách cắt giảm sản lượng khai thác nhằm kiềm chế đà giảm của giá dầu mỏ trên thị trường toàn cầu. Không chỉ Angola, cả Nigeria cũng không đồng tình với hạn ngạch khai thác của nước này mà OPEC và các đối tác bên ngoài đưa ra tại hội nghị cấp bộ trưởng hồi tháng 11 vừa qua. Cuộc họp này đã bị trì hoãn trong vài ngày do bất đồng của các nước về việc tuân thủ các mức cắt giảm sản lượng hiện nay và các mức cắt giảm bổ sung có thể. Bên cạnh đó, OPEC+ đã không thể nhất trí về việc cắt giảm sản lượng khai thác đối với toàn bộ 23 thành viên của nhóm.
Theo qdnd.vn
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin