21:10, 14/10/2023

Cuộc bầu cử quốc hội Ba Lan có thể định hình tương lai của EU

Cử tri Ba Lan sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 15/10 trong cuộc bầu cử được coi là quan trọng đối với tương lai của Liên minh châu Âu (EU).
 

Khoảng 29 triệu cử tri Ba Lan đủ điều kiện bỏ phiếu vào ngày 15/10, với hơn nửa triệu người đăng ký ở nước ngoài. Ảnh: CNN 
Khoảng 29 triệu cử tri Ba Lan đủ điều kiện bỏ phiếu vào ngày 15/10, với hơn nửa triệu người đăng ký ở nước ngoài. Ảnh: CNN 


Ba Lan đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội quan trọng vào cuối tuần này. Đảng cầm quyền Luật pháp và Công lý (PiS) theo chủ nghĩa dân tộc đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 3 chưa từng có.

Nếu thắng, PiS muốn thực hiện nhiều hơn chương trình nghị sự bảo thủ và tiếp tục đấu tranh để giành được vị thế của Ba Lan trong EU, đặc biệt là về hạn ngạch người di cư.

Nếu đảng Dân chủ (PO) đối lập, cánh hữu cấp tiến thân châu Âu thắng, Ba Lan có thể sẽ hợp tác với EU, đảo ngược các cải cách tư pháp của PiS cũng như nhiều chính sách bảo thủ xã hội hơn của nước này, chẳng hạn như về vấn đề phá thai.

Mặc dù cả hai đảng chính trên ở nước này đều khó có khả năng một mình thành lập chính phủ, nhưng cuộc bỏ phiếu vẫn có tầm quan trọng đối với EU. Carlo Fidanza, một nghị sĩ EU của Italy nói rằng lập trường của Ba Lan đối với Kiev rất quan trọng đối với quan điểm chung của khối về cuộc xung đột Nga - Ukraine.

Cả hai đảng đều cam kết hỗ trợ Ukraine, nhưng PiS đã dao động trong những tuần gần đây, liên quan đến tranh cãi về nhập khẩu nông sản của Kiev và sự xuất hiện của hàng trăm nghìn người tị nạn Ukraine ở Ba Lan.

“Ba Lan thậm chí còn trở nên quan trọng hơn trong một năm rưỡi qua vì nước này đi đầu trong cuộc đối đầu với Nga. Do đó, cuộc bầu cử sẽ xác định xem lập trường này có được duy trì hay không và chắc chắn sẽ là một yếu tố ổn định cho vị thế địa chính trị của toàn thể EU”, nghị sĩ Fidanza nêu rõ.

Ngược lại, một nghị sĩ EU khác, Terry Reintke, đồng Chủ tịch Nhóm đảng Xanh/EFA trong Nghị viện châu Âu, đang hy vọng PO sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, mặc dù họ là một phần của một nhóm chính trị khác.

Nghị sĩ Reintke nói trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi có thể nói rằng sự khác biệt chính là phe đối lập hiện tại rõ ràng đã có lập trường mang tính xây dựng khi nói đến việc can dự ở cấp độ châu Âu. Vì vậy, khi chúng ta nhìn thấy những thách thức phía trước, xoay quanh câu hỏi chúng ta sẽ định hình quá trình chuyển đổi xanh, di cư, chính trị cũng như các vấn đề khác của châu Âu như thế nào, trong khi PiS có quan điểm bảo thủ, thì PO lại mang tính xây dựng khi tham gia vào các vấn đề chung của EU”.

Về phần mình, Arianna Angeli, Giáo sư luật tại Đại học Milan, cho rằng Chính phủ Ba Lan hiện tại đã có thái độ đối đầu với EU và nếu PiS thắng, xu hướng này sẽ tiếp tục. Xung đột chính giữa Warsaw và Brussels liên quan đến vấn đề pháp quyền và sự độc lập của cơ quan tư pháp khỏi ảnh hưởng chính trị.

“Những hành vi vi phạm liên tục này đôi khi sẽ tạo ra căng thẳng với các quốc gia thành viên khác của EU, và cuối cùng, theo tôi, nó cũng có thể tạo ra các vấn đề trong cơ chế hoạt động của khối, vốn đang bị thách thức do căng thẳng nội bộ, bởi một trong những quốc gia thành viên của chính mình”, Giáo sư Angeli nhấn mạnh.

Vào ngày 15/10, Brussels sẽ không chỉ theo dõi cuộc bầu cử mà còn theo dõi cuộc trưng cầu dân ý của Chính phủ Ba Lan. Cử tri sẽ được hỏi 4 câu hỏi, trong đó một câu hỏi về việc liệu họ có ủng hộ việc tiếp nhận người nhập cư bất hợp pháp từ Trung Đông và châu Phi hay không.

Liên quan đến vấn đề di cư, Spasimir Domaradzki, nhà phân tích chính trị tại Đại học Warsaw (Ba Lan) nhận định: Trong khi PiS có xu hướng cảnh báo công chúng rằng nếu PO lên nắm quyền, hàng nghìn người di cư bất hợp pháp, có khả năng nguy hiểm sẽ đến Ba Lan do áp lực của EU, thì cả hai phe đều phản đối hệ thống tị nạn và di cư mới của EU.

Tuy nhiên, với bầu không khí căng thẳng xung quanh vấn đề nhập cư ở Ba Lan, một chính phủ của PO có thể có xu hướng trả tiền nhiều hơn để tránh phải chấp nhận người di cư và như vậy sẽ không có lập trường khác lắm với chính phủ hiện tại.

Chuyên gia Domaradzki lập luận rằng sự khác biệt chính giữa phe cầm quyền hiện tại ở Ba Lan và phe đối lập là thái độ hướng tới hội nhập EU sâu sắc hơn. Chiến thắng của PiS sẽ khiến Warsaw tiếp tục ngăn chặn sự hội nhập sâu hơn của EU, trong khi sẽ có rất ít thay đổi từ góc độ chính sách nếu phe đối lập lên nắm quyền.

“Nhiệm kỳ thứ ba của PiS có nghĩa là việc tiếp tục chính sách ngăn chặn thảo luận về việc hội nhập hơn nữa của EU, trong khi trong trường hợp phe đối lập chiến thắng, nhiều lập luận phản đối việc hội nhập sẽ bị gạt sang một bên, cho phép các nhà lãnh đạo EU tiếp tục quá trình đó”, chuyên gia Domaradzki nhấn mạnh.

Dữ liệu thăm dò được công bố trước cuộc bầu cử tháng này cho thấy sự phân cực ngày càng tăng trong nền chính trị Ba Lan. Trong khi tỷ lệ ủng hộ dành cho đảng PiS đang ở mức 35%, tỷ lệ ủng hộ dành cho PO ở mức 30%.

Theo TTXVN