Hy Lạp một lần nữa lại phải hứng chịu nạn cháy rừng và năm nay chúng còn tồi tệ hơn bao giờ hết.
Đội lính cứu hỏa quan sát đám cháy rừng trên núi Parnitha, ở Athens, Hy Lạp, ngày 24/8/2023. Ảnh: Reuters |
Ở Agia Paraskevi, một trong những ngôi làng nằm rải rác quanh núi Panitha, chỉ cách thủ đô Athen 40km về phía bắc, một cảnh tượng quen thuộc: người phụ nữ đứng trước một ngôi nhà bị cháy, những dầm mái đen ngòm, trơ xương vươn lên bầu trời đang âm ỉ như cầu xin lòng thương xót. Nước mắt chảy dài trên khuôn mặt người phụ nữ khi cô nghĩ về những gì mình đã mất. Cô khóc khe khẽ trong nỗi tuyệt vọng gần như cam chịu.
Hy Lạp một lần nữa lại phải hứng chịu nạn cháy rừng và năm nay chúng còn tồi tệ hơn bao giờ hết.
Vài giờ trước đó, phóng viên CNN có mặt trong làng, nói chuyện với một cư dân tên Nikos khi anh đứng bên ngoài nhà mình, nhìn làn khói đang bay dần. Nikos đang phụt một dòng nước mỏng qua một vòi nhỏ, tưới lên những chiếc ô tô đang đỗ và làm ướt mặt đất xung quanh nhà mình, một nỗ lực có vẻ vô ích nhằm tránh khỏi mối nguy hiểm sắp xảy ra.
Nikos kể rằng anh đã phun nước như vậy trong 2 ngày. Anh cũng đóng gói sẵn một vài bộ quần áo, sẵn sàng cùng với vợ và con chó của họ rời đi khi có yêu cầu của chính quyền.
“Chỉ khi có ai đó chĩa súng vào đầu, chúng tôi mới ra đi", Nikos nói. Giống như rất nhiều người ở những ngôi làng này, anh đã dồn cả cuộc đời mình vào căn nhà nhỏ.
Nhưng trong trường hợp này, một sự thuyết phục như vậy là không cần thiết. Cảnh sát chỉ đến để hỗ trợ sơ tán khỏi làng, và Nikos trong nước mắt, miễn cưỡng làm theo, bỏ lại ngôi nhà của mình với chút hy vọng mong manh nhất nó có thể được bảo vệ nhờ đất ẩm.
"Lá phổi" đang nhả khói và carbonic
Công viên quốc gia Panitha rộng gần 500km2 có nhiều khu rừng xanh tươi và các địa điểm khảo cổ cổ xưa, được mệnh danh là “lá phổi của Athens”. Ngoài việc mang đến cho cư dân thành phố một nơi trú ẩn khỏi mùa hè ngột ngạt, những khu rừng rộng lớn của Athens còn thực hiện nhiệm vụ kép là làm sạch không khí ô nhiễm và hấp thụ sức nóng dữ dội thường bao trùm đô thị.
Nhưng giờ đây, nơi này trở thành chiến trường của một trận chiến khốc liệt khi các dịch vụ khẩn cấp cố gắng đẩy lùi hơn 200 vụ cháy rừng ở Hy Lạp chỉ kể từ hôm 21/8. Ban ngày, không khí tràn ngập khói và tiếng còi báo động, tiếng kêu la của dân làng và nhân viên cứu hộ, cũng như tiếng rung lắc dai dẳng của cánh quạt trực thăng khi lính cứu hỏa dập lửa từ trên không.
Những chiếc ô tô bị thiêu rụi trong trận hỏa hoạn trên núi Parnitha ở Athens, Hy Lạp, ngày 23/8/2023. Ảnh: NurPhoto/AP |
Sự hỗ trợ trên không là rất quan trọng, nhưng chỉ có thể thực hiện được vào ban ngày. Khi màn đêm buông xuống, những chiếc trực thăng rời đi, nhưng sức nóng vẫn còn và ngọn lửa vẫn bùng cháy.
Một kẻ thù vô hình là gió, thứ có thể giúp nuôi dưỡng ngọn lửa và thúc giục nó nuốt chửng mặt đất tươi mới.
“Đêm qua thật như địa ngục”, một lính cứu hỏa tên Kotas nói. “Gió là kẻ thù lớn nhất của chúng tôi. Hôm thứ năm, khi chuẩn bị dập lửa trực tiếp thì một ngọn lửa nhỏ gần đó đột nhiên bùng lên dữ dội, buộc chúng tôi phải bỏ chạy".
Khi đám cháy lan rộng, một dải rừng nguyên sinh xanh tươi sống động đột ngột biến màu, thay vào đó là những khoảng đất rộng màu đen, cháy đen cùng những xác cây khẳng khiu. Không có gì sống sót.
Những tác hại khôn lường
Những đám cháy tương tự đang hoành hành khắp Hy Lạp và với rất nhiều tiền tuyến nên không có đủ lính cứu hỏa để ngăn chặn chúng. Tuần này, đội cứu hỏa thông báo rằng thi thể bị cháy của 18 người đã được tìm thấy trong một căn lều gần rừng Dadia ở Alexandroupoli, Evros. Vụ cháy rừng ở Hy Lạp được coi là đá cháy lớn nhất được ghi nhận ở EU.
Tác động của cháy rừng không chỉ dừng ở cây cối và nhà cửa bị đốt cháy. Những tác động ngay lập tức thì rất rõ ràng, khi người sống trong vùng có thể cảm nhận từ bầu không khí khô cằn cào vào cổ họng, cay mắt, hay từ dòng nước đen kịt chảy xuống lúc họ tắm rửa. Hơi thở khó khăn và không khí dày đặc khói cay.
Sau đó, có những tác động sẽ được cảm nhận trong tương lai. Tiến sĩ Michalis Diakakis từ Khoa Địa chất và Địa lý Môi trường tại Đại học Quốc gia và Kapodistrian của Athens, nói rằng việc mất rừng sẽ làm tăng nguy cơ lũ lụt và lở đất. Vai trò của chúng trong việc làm sạch không khí và điều hòa nhiệt độ của vùng lân cận Athens sẽ bị mất đi và tác động của biến đổi khí hậu sẽ gia tăng cục bộ do sự biến mất của rừng.
Đến ngày 26/8, bốn ngày kể từ khi đám cháy bắt đầu, Parnitha vẫn bốc cháy với nhiều khu rừng nguyên sinh bị tàn phá. Từng là bể chứa carbon, giờ đây nơi này đang phun tro và khí carbonic vào khí quyển. Một tài xế taxi mô tả cách anh rửa xe ba lần một ngày để loại bỏ tro. Đó là anh ta còn đang cách Parnitha 50 km.
Công viên quốc gia được mệnh danh là "lá phổi của Athens" hiện là nơi diễn ra cuộc chiến đẩy lùi cháy rừng. Ảnh: CNN |
"Đồng minh" ác độc của lửa
Bên cạnh gió, lực lượng cứu hỏa cũng đang phải đối mặt với một đồng minh ác độc hơn của ngọn lửa. Thật không thể tin được, một số đám cháy dường như đã được cố tình phóng hỏa.
Cho đến nay, cảnh sát đã thực hiện 79 vụ bắt giữ liên quan đến đốt phá. Sự hoài nghi đang bắt đầu chuyển sang giận dữ trong nhiều người Hy Lạp. Tiến sĩ Diakakis đặt câu hỏi về động cơ của những kẻ đứng đằng sau những hành động này. “Tôi không thể tin được những người này chỉ đơn giản là những kẻ đốt phá. Tại sao họ làm vậy?".
Vài giờ sau khi chứng kiến Nikos sơ tán khỏi làng, nhóm phóng viên CNN quay lại đó. Ngọn lửa đã tắt, để lại những bức tường đổ nát, tro tàn và những mái nhà cháy sém.
Nhưng khi quay lại, nhóm phóng viên nhận thấy một điều khiến họ phấn chấn: ngôi nhà của Nikos vẫn đứng vững. Dòng nước ủ mát cho nó đã hoàn thành nhiệm vụ và ngôi nhà nhỏ được cứu thoát.
Đó là một tia hy vọng đáng hoan nghênh, nhưng sẽ cần nhiều hơn thế để bảo vệ Hy Lạp khỏi những trận cháy rừng như vậy, những trận cháy rừng sẽ còn tái diễn trong tương lai.
Theo TTXVN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin