23:10, 05/08/2023

Bầu cử Campuchia: Đảng cầm quyền giành 120/125 ghế Quốc hội khóa mới

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền tiếp tục giành chiến thắng áp đảo trong bầu cử Quốc hội khóa VII diễn ra ngày 23/7 vừa qua khi giành được 120 trong tổng số 125 ghế Quốc hội nhiệm kỳ tiếp theo ở quốc gia Đông Nam Á này.
 

Ứng cử viên của đảng Nhân dân Campuchia (CPP) Hun Manet phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ở Phnom Penh, ngày 21/7/2023. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Ứng cử viên của đảng Nhân dân Campuchia (CPP) Hun Manet phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ở Phnom Penh, ngày 21/7/2023. Ảnh: Kyodo/TTXVN


Sáng 5/8, Ủy ban bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) đã chính thức công bố kết quả bầu cử và danh sách ứng viên trúng cử nghị sĩ Quốc hội khóa VII với chiến thắng áp đảo thuộc về CPP. 

Theo đó, với gần 6,4 triệu phiếu ủng hộ, chiếm 82,3% trong tổng số hơn 7,7 triệu phiếu bầu hợp lệ, CPP giành được 120 ghế nghị sĩ; 5 ghế nghị sĩ còn lại thuộc về đảng bảo hoàng FUNCINPEC với hơn 700.000 phiếu ủng hộ, chiếm tỷ lệ hơn 9% tổng số phiếu bầu hợp lệ.

Kết quả bầu cử chính thức được NEC công bố dưới hình thức phát trực tiếp trên sóng Đài Truyền hình quốc gia Campuchia, phương tiện và nền tảng truyền thông của Đài Phát thanh quốc gia, hãng Thông tấn quốc gia Campuchia và NEC, cùng nhiều kênh truyền thông địa phương khác.

Có 18 chính đảng tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khóa VII, gồm CPP cầm quyền, Xã hội Dân chủ Tổ ong, Khmer Hợp nhất, Quốc tịch Campuchia, Khmer Đoàn kết Quốc gia, Sức mạnh Dân chủ, Nông dân, Phụ nữ vì Phụ nữ, Khmer Thoát nghèo, FUNCINPEC, Đạo pháp Trị quốc, Dân chủ Cơ sở, Dân nguyện, Khmer Phát triển Kinh tế, Thống nhất Dân tộc Khmer, Khmer Bảo thủ, Thanh niên Campuchia và đảng Dân tộc Bản địa Dân chủ Campuchia. 

Các chính đảng đăng ký ứng cử viên tranh cử 125 ghế nghị sĩ Quốc hội khóa VII, được phân bổ tại 25 khu vực bầu cử, gồm thủ đô Phom Penh và 24 đơn vị hành chính cấp tỉnh khác. Trong số này, CPP giới thiệu 274 ứng cử viên, gồm 125 ứng cử viên chính thức và 149 ứng cử viên dự bị, tham gia tranh cử tại tất cả 25 khu vực bầu cử trong cả nước. FUNCINPEC cũng đăng ký ứng viên tranh cử tại tất cả các khu vực bầu cử trong cả nước, nhưng số lượng ứng cử viên không nhiều.

Theo kết quả công bố chính thức của NEC, ứng cử viên Hun Manet cùng 10 ứng cử viên khác của đảng cầm quyền trúng cử nghị sĩ Quốc hội Campuchia khóa VII tại khu vực bầu cử Phnom Penh, nơi được phân bổ 12 ghế nghị sĩ. Ghế nghị sĩ còn lại ở khu vực bầu cử này thuộc về Hoàng thân Norodom Chakravuth, Chủ tịch đảng FUNCINPEC. Ngoài địa bàn Phnom Penh, đảng bảo hoàng FUNCINPEC giành được 4 ghế nghị sĩ ở khu vực bầu cử các tỉnh Prey Veng, Kandal, Kampong Thom và Kampong Cham.

Cuộc bầu cử nghị sĩ Quốc hội vừa kết thúc ở Campuchia ghi nhận hơn 8,2 triệu cử tri tham gia bầu cử, chiếm gần 85% trong tổng số hơn 9,7 triệu cử tri trong danh sách, cao nhất so với các cuộc bầu cử được tổ chức tại "Đất nước Chùa Tháp" trong 20 năm gần đây. Tiến trình bầu cử thu hút hơn 400 quan sát viên quốc tế đến từ 61 cơ quan, tổ chức quốc tế, sứ bộ và cộng đồng doanh nghiệp Campuchia ở nước ngoài tham gia giám sát. Bên cạnh đó, có khoảng 90.000 quan sát viên trong nước cùng hơn 60.000 nhân viên của các đảng phái đăng ký tham gia giám sát tiến trình bầu cử.

Cũng trong sáng 5/8, CPP đã ra tuyên bố công nhận kết quả bầu cử nghị sĩ Quốc hội Campuchia khóa VII vừa được NEC công bố chính thức. Trong tuyên bố, đảng cầm quyền cam kết với người dân là Chính phủ hoàng gia Campuchia nhiệm kỳ VII thành lập trong những ngày tới do Tiến sĩ Hun Manet đứng đầu sẽ tiếp tục củng cố khối đoàn kết toàn dân tộc, nỗ lực thực hiện thành công cương lĩnh chính trị như đã công bố, đáp lại sự tín nhiệm của người dân đối với CPP.

Trước đó, trong thông điệp chính trị đặc biệt gửi đến người dân cả nước vào ngày 26/7, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen tuyên bố không tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng ở quốc gia Đông Nam Á này trong nhiệm kỳ tiếp theo; đồng thời cho biết Tiến sĩ Hun Manet sẽ thay ông giữ cương vị này sau khi Quốc hội khóa mới nhóm họp phiên đầu tiên. 

Theo Thủ tướng Campuchia đương nhiệm, có 4 yếu tố chính để Tiến sĩ Hun Manet trở thành Thủ tướng, gồm sự nhất trí trong nội bộ CPP, trúng cử nghị sĩ Quốc hội, được Quốc vương bổ nhiệm và được Quốc hội tín nhiệm thông qua. 

Nhấn mạnh Tiến sĩ Hun Manet sẽ chính thức trở thành Thủ tướng Campuchia từ chiều 22/8, ông Hun Sen cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ của Thủ tướng và chính phủ mới. Ông giải thích: “Với kinh nghiệm hơn 38 năm làm Thủ tướng, tôi hiểu về tính chất độc lập của Thủ tướng trong việc đưa ra quyết định”.

Theo lịch trình dự kiến, Quốc hội Campuchia khóa VII sẽ họp phiên đầu tiên và tiến hành kỳ họp thứ nhất vào ngày 21 và 22/8 tới.

Theo TTXVN