23:22, 04/07/2023

Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thảo luận về vụ đốt kinh Koran

Cuộc họp khẩn cấp này được triệu tập theo yêu cầu của Pakistan - đại diện cho một số thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), bao gồm cả những thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.
 

Biểu tình bên ngoài sứ quán Thuỵ Điển ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, phản đối hành động đốt kinh Koran, ngày 21/3/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Biểu tình bên ngoài sứ quán Thuỵ Điển ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ, phản đối hành động đốt kinh Koran, ngày 21/3/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Ngày 4/7, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thông báo sẽ tổ chức phiên họp khẩn cấp để thảo luận về vụ đốt kinh Koran xảy ra bên ngoài đền thờ Hồi giáo lớn nhất ở thủ đô Stockholm (Thụy Điển) hôm 28/6.

Người phát ngôn của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc Pascal Sim nêu rõ: "Hội đồng sẽ tiến hành các cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về sự gia tăng mạnh mẽ các hành động hận thù tôn giáo có tính toán và công khai, thể hiện qua hành vi không tôn trọng kinh Koran của người Hồi giáo tại một số nước."

Theo đó, cuộc họp có thể diễn ra trong tuần này với thời gian và địa điểm do Văn phòng của Hội đồng Nhân quyền ấn định.

Ông cho biết thêm cuộc họp khẩn cấp này được triệu tập theo yêu cầu của Pakistan - đại diện cho một số thành viên của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC), bao gồm cả những thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc gồm 47 thành viên, hiện đang họp phiên thứ 2 trong số 3 phiên họp thường kỳ mỗi năm. Các phiên họp dự kiến kết thúc ngày 14/7.

Các tín đồ Hồi giáo và chính phủ nhiều nước có cộng đồng người Hồi giáo đã có những phản ứng mạnh sau khi xảy ra vụ Salwan Momika - một người tị nạn Iraq sống tại Thụy Điển, đốt bản sao kinh Koran trước đền thờ Hồi giáo lớn nhất ở thủ đô Stockholm hôm 28/6, đúng ngày đầu tiên diễn ra lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan bày tỏ hy vọng Thụy Điển sẽ thực hiện các cam kết của mình theo bản ghi nhớ đạt được tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha năm 2022.

Ankara từng nhấn mạnh đây là điều kiện chính để chấp thuận đơn gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Stockholm.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Hakan Fidan bày tỏ lo ngại khi Thụy Điển đã không thể ngăn chặn hành động "bài Hồi giáo" như hành động đốt kinh Koran xảy ra tuần trước tại Stockholm.

Trước đó, Chính phủ Thụy Điển đã tuyên bố lên án mạnh mẽ hành động đốt kinh Koran và khẳng định nước này hay châu Âu nói chung không ủng hộ những hành động phân biệt chủng tộc, bài ngoại như vậy.

Tháng 5/2022, Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO. Tuy nhiên, quá trình phê chuẩn tư cách thành viên của nước này, vốn cần được tất cả 31 quốc gia thành viên thông qua, vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.

Giới chức phương Tây gần đây đã hy vọng có thể chính thức chào mừng Thụy Điển gia nhập NATO trong cuộc họp thượng đỉnh của khối tại Litva ngày 11-12/7 tới.

Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã chỉ trích Thụy Điển liên quan đến vụ đốt kinh trên.

Diễn biến mới này đã phủ bóng lên cơ hội để quốc gia Bắc Âu này có thể sớm gia nhập NATO.

Theo TTXVN