05:03, 13/03/2023

LHQ kêu gọi đàm phán nhằm chấm dứt bạo lực ở phía Đông CHDC Congo

Ngày 12/3, phái đoàn của HĐBA LHQ trước khi kết thúc chuyến thăm đến Cộng hòa Dân chủ Congo đã kêu gọi đàm phán nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực ngày càng đẫm máu ở khu vực phía Đông đất nước này.
 

Ngày 12/3, phái đoàn của HĐBA LHQ trước khi kết thúc chuyến thăm đến Cộng hòa Dân chủ Congo đã kêu gọi đàm phán nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực ngày càng đẫm máu ở khu vực phía Đông đất nước này.

Xe của quân đội Cộng hòa Dân chủ Congo tiến về khu vực Kibumba, Bắc Kivu, trong cuộc giao tranh với lực lượng phiến quân M23, ngày 25/5/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Xe của quân đội Cộng hòa Dân chủ Congo tiến về khu vực Kibumba, Bắc Kivu, trong cuộc giao tranh với lực lượng phiến quân M23, ngày 25/5/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 12/3, phái đoàn của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trước khi kết thúc chuyến thăm đến Cộng hòa Dân chủ Congo đã kêu gọi đàm phán nhằm chấm dứt tình trạng bạo lực ngày càng đẫm máu ở khu vực phía Đông đất nước này. 
 
Miền Đông CHDC Congo, đặc biệt là khu vực giáp với Rwanda, đã phải hứng chịu một đợt bùng phát bạo lực kể từ khi lực lượng phiến quân M23 hoạt động trở lại vào cuối năm 2021 và chiếm giữ nhiều vùng lãnh thổ. 
 
Lực lượng này hiện đang đe dọa chia cắt tất cả các con đường tiếp cận Goma, thành phố chính với hơn một triệu dân ở phía Đông CHDC Congo, rất gần Rwanda. 
 
Theo Liên hợp quốc, giao tranh giữa quân đội CHDC Congo và M23 cho đến nay đã khiến hơn 800.000 người phải rời bỏ nhà cửa. 
 
Phái đoàn gồm các đại sứ do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cử đến, đã có mặt tại CHDC Congo từ hôm 7/3 để gặp Tổng thống Félix Tshisekedi cũng như đến thăm Goma và gặp gỡ các quan chức địa phương.
 
Phát biểu trước báo giới, thành viên của phái đoàn, Đại sứ Pháp tại Liên hợp quốc Nicolas de Rivière nhấn mạnh rằng "lối thoát cho cuộc xung đột này chỉ có thể là chính trị và chỉ có thể đạt được thông qua đàm phán."
 
Chuyến thăm diễn ra ngay sau thất bại của lệnh ngừng bắn ở miền Đông CHDC Congo, được đàm phán với sự trung gian của Angola và bị phá vỡ vào hôm 7/3, cùng ngày lệnh ngừng bắn có hiệu lực. 
 
Trước đó, các sáng kiến hòa bình tương tự khác cũng đã thất bại.
 
Theo TTXVN