10:02, 22/02/2022

Giải tỏa "cơn khát" chip bán dẫn

Thời gian qua, các nhà sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ châu Âu đối mặt nhiều khó khăn do tình trạng thiếu chip bán dẫn trên toàn cầu. Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố Ðạo luật chip châu Âu, nhằm tăng cường khả năng tự chủ trong sản xuất chip bán dẫn, tháo gỡ một trong những nút thắt cản trở tốc độ phục hồi kinh tế của khu vực.

Thời gian qua, các nhà sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ châu Âu đối mặt nhiều khó khăn do tình trạng thiếu chip bán dẫn trên toàn cầu. Ủy ban châu Âu (EC) vừa công bố Ðạo luật chip châu Âu, nhằm tăng cường khả năng tự chủ trong sản xuất chip bán dẫn, tháo gỡ một trong những nút thắt cản trở tốc độ phục hồi kinh tế của khu vực.
 
Chip bán dẫn được coi là "trái tim" của sản phẩm công nghệ hiện đại như điện thoại thông minh, máy tính, ô-tô… Ðóng vai trò then chốt trong việc chế tạo các sản phẩm và linh kiện công nghệ, chip bán dẫn được nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc mạnh tay đầu tư sản xuất. Các nước Liên minh châu Âu (EU) cũng không đứng ngoài "cuộc đua" này, nhất là trong bối cảnh thiếu chip bán dẫn - một trong những lực cản đối với các mục tiêu phát triển kinh tế của "mái nhà chung".
 
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen (U.Lây-en) cho biết, đại dịch Covid-19 đã phơi bày những điểm yếu của hệ thống chuỗi cung ứng nói chung và chuỗi cung ứng chip bán dẫn nói riêng. Thiếu hụt chip đã làm chậm lại quá trình phục hồi kinh tế của châu Âu. Nhiều dây chuyền sản xuất bị đình trệ. Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô-tô châu Âu (ACEA), thiếu chip là một trong những nguyên nhân chính kéo lùi tốc độ tăng trưởng của ngành sản xuất ô-tô tại châu lục này. Nhiều nhà máy phải hạn chế sản xuất, thậm chí đóng cửa. Doanh thu bán xe ô-tô ở EU đã giảm mạnh trong nửa cuối năm 2021.
 

 

Nhiều nhà sản xuất ô-tô gặp khó khăn do thiếu chip bán dẫn.
Nhiều nhà sản xuất ô-tô gặp khó khăn do thiếu chip bán dẫn.
 
Ngoài ra, triển vọng tăng trưởng của lĩnh vực sản xuất chip bán dẫn được các chuyên gia đánh giá cao. Tổ chức World Semiconductor Trade Statistics (WSTS) dự báo, thị trường bán dẫn toàn cầu sẽ chạm mức 601,49 tỷ USD vào năm 2022, sau khi đạt 552,96 tỷ USD năm 2021. Theo WSTS, nhu cầu chip của ngành sản xuất máy tính bàn, máy tính xách tay, máy chơi game, cũng như các thiết bị wifi tăng cao, khi nhiều người chuyển sang hình thức học tập, làm việc trực tuyến do đại dịch Covid-19. Sau khi các nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại và từng bước phục hồi sau đại dịch, nhu cầu chip của ngành sản xuất xe ô-tô và các sản phẩm công nghệ khác tăng trở lại và dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh hơn nữa, đòi hỏi nguồn cung dồi dào.
 
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch EC U.Leyen khẳng định, sự ra đời của Ðạo luật chip châu Âu vào thời điểm hiện nay là hoàn toàn phù hợp. Nếu được thông qua, đạo luật nêu trên có thể huy động hơn 43 tỷ euro đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn tại các nước EU. EU hướng tới mục tiêu tăng thị phần sản xuất chip toàn cầu của khối, từ 9% hiện nay lên 20% vào năm 2030. Các nhà hoạch định chính sách EU hy vọng, trong ngắn hạn, đạo luật nêu trên sẽ giúp EU vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng trong tương lai khi giữ thế chủ động về nguồn cung và không bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng. Trong dài hạn, EU mong muốn vươn lên vị trí dẫn đầu trong ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn toàn cầu.
 
Giới phân tích cho rằng, EU sẽ phải vượt qua nhiều thách thức nhằm hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên. Sản xuất chip bán dẫn được đánh giá là cuộc đua đòi hỏi các khoản đầu tư lớn trong thời gian dài. Ðến nay, các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản đều đã công bố các kế hoạch "tiếp sức" cho ngành công nghiệp này, khiến môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt.
 
Nếu được thông qua, Ðạo luật chip châu Âu được kỳ vọng sẽ giúp EU không chỉ giải tỏa "cơn khát" chip bán dẫn, mà còn nâng cao vị trí trong ngành công nghiệp quan trọng này.
 
Theo Báo Nhân Dân điện tử