12:01, 29/01/2022

Người dân Trung Quốc đổ về quê ăn Tết bất chấp COVID-19

Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, Trung Quốc lại diễn ra cuộc di cư lớn nhất thế giới, được gọi là Xuân vận. Đây là dịp hàng trăm triệu người ở khắp mọi nơi trên đất nước về quê đoàn tụ cùng gia đình đón chào năm mới.

Vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, Trung Quốc lại diễn ra cuộc di cư lớn nhất thế giới, được gọi là Xuân vận. Đây là dịp hàng trăm triệu người ở khắp mọi nơi trên đất nước về quê đoàn tụ cùng gia đình đón chào năm mới.
 
 
Thêm một kỳ Xuân vận khó khăn với người dân Trung Quốc. Ảnh: AP
Thêm một kỳ Xuân vận khó khăn với người dân Trung Quốc. Ảnh: AP
Theo hãng tin AP, cuộc Xuân vận năm nay ở Trung Quốc diễn ra trong nỗi lo làn sóng dịch COVID-19 mới bùng phát nghiêm trọng. Mặc dù chính phủ đã vận động người dân hạn chế về quê ăn Tết để ngăn virus lây lan, song nước này vẫn ghi nhận khoảng 260 triệu lượt đi lại trong 10 ngày qua. Dữ liệu chính thức cho thấy con số này vẫn ít hơn thời kỳ trước đại dịch, nhưng đã tăng 46% so với năm ngoái. Các chuyên gia dự đoán sẽ có tổng cộng 1,2 tỷ lượt đi lại trong kỳ nghỉ lễ, tăng 36% so với một năm trước.
 
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của hành khách trong điều kiện phòng, chống dịch, ngành đường sắt Trung Quốc đã cải tiến các biện pháp phục vụ công tác bán vé, hoàn đổi vé, chẳng hạn gia hạn thời gian bán vé điện tử, cung cấp dịch vụ hoàn tiền qua Internet, điều chỉnh thời gian mua vé chờ. Bên cạnh đó, ngành đường sắt Trung Quốc rút ngắn thời gian di chuyển của hành khách bằng cách lập sơ đồ chạy tàu mới, bổ sung các tàu chở khách và chở hàng. 
 
Tuy nhiên, chiến lược “không COVID” của Trung Quốc đang gặp thách thức lớn khi dịch bệnh bùng phát ở một số tỉnh, thành phố như Tây An, Thiên Tân, Hà Nam. Trong đó, đợt bùng phát dịch bất ngờ ở Thiên Tân đã đặt thủ đô Bắc Kinh vào tình trạng báo động.
 
Cô Wang Yilei, quê ở Đường Sơn, phía đông thủ đô Bắc Kinh, chia sẻ: “Giới chức đã khuyến khích người dân ở lại Bắc Kinh ăn Tết, nhưng tôi đã không về nhà 3 năm rồi. Cha mẹ tôi đã lớn tuổi và ngày càng già yếu, họ rất mong được gặp tôi”.
 
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đang siết chặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh để ngăn COVID-19 lây lan trước thềm Thế vận hội Mùa đông khai mạc vào ngày 4/2 tới. Các vận động viên, phóng viên và quan chức tại sự kiện này được yêu cầu sinh hoạt trong “vòng tròn khép kín”, tránh tiếp xúc với công chúng để ngăn ngừa lây nhiễm. Tuy nhiên, cho đến nay, đã có khoảng 106 trong số 3.695 vận động viên, nhân viên nước ngoài tham dự Thế vận hội có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV2.
 
Nhà chức trách Bắc Kinh cũng đã triển khai xét nghiệm hàng loạt cho trên 2 triệu dân ở quận Phong Đài sau khi ghi nhận một số ca nhiễm tại khu vực này. Nhiều gia đình không được phép rời khỏi nhà. 
 
Wu Jinpeng, một sinh viên đại học đang trên đường từ đảo Hải Nam về quê gần Bắc Kinh cho biết: “Chúng ta nên về quê ăn Tết khi nào còn có thể, nếu chính sách phòng dịch ở địa phương cho phép.”
 
Trong khi đó, một số người sẽ phải cách ly nếu trở về từ các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao. Họ sẽ được giám sát bằng phần mềm “mã y tế” trên điện thoại thông minh, ghi lại nơi họ đến và kết quả xét nghiệm COVID-19. Những người này cũng phải xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus trong vòng 48 giờ trước khi khởi hành. 
 
Sun Jinle, một nhân viên ngân hàng từ Tần Hoàng Đảo, phía đông Bắc Kinh, cho biết. “Tôi đã gọi đến đường dây nóng của giới chức ở quê và họ nói rằng tôi có thể trở về, miễn là mã y tế của tôi màu xanh. Nếu tôi sống ở quận Phong Đài của Bắc Kinh thì tôi không thể về quê. May mắn thay, tôi sống ở quận Thông Châu, nơi không áp lệnh cấm đi lại”.
 
Số ca nhiễm ở Trung Quốc thấp hơn nhiều so với Ấn Độ, Hàn Quốc và một số quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định việc người dân di chuyển trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sẽ gây ảnh hưởng đến nỗ lực chống dịch của chính phủ.
 
“Áp lực năm nay sẽ lớn hơn 2 năm trước. Sau một thời gian dài cách ly hay phải chịu các biện pháp kiểm soát chống COVID-19, mọi người rất háo hức đi du lịch và nghỉ ngơi. Điều này có thể khiến các ổ dịch bùng phát trở lại”, Zhao Wei, Giáo sư chuyên ngành y tế cộng đồng tại Đại học Y khoa Nam Phương ở Quảng Châu, nói.
 
Theo TTXVN